Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9-4 đã phản đối tàu khu trục USS John Paul Jones đi vào vùng biển Ấn Độ mà không báo trước. Hành động của tàu chiến Mỹ đang tạo ra một cuộc tranh cãi tại Ấn Độ.

42 1 Tau Chien My Thach Thuc Yeu Sach Hang Hai Qua Muc Cua An Do

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones - Ảnh: US NAVY

Sự việc xảy ra hồi đầu tuần này nhưng chỉ mới trở nên ầm ĩ ngày 8-4 sau khi báo chí Ấn Độ phản ánh.

Trong thông cáo được phát đi vào đầu tuần, hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục USS John Paul Jones đã đi vào vùng nước gần quần đảo Lakshadweep bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ.

Thông cáo cũng nhấn mạnh tàu chiến Mỹ đã đi vào khu vực mà không có sự đồng ý trước của Ấn Độ nhằm thách thức "yêu sách hàng hải quá mức" của New Delhi trong khu vực. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby bảo vệ hành động của tàu John Paul Jones, nhấn mạnh tàu chiến Mỹ có quyền "đi qua vô hại trong lãnh hải Ấn Độ".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các quyền và trách nhiệm bay qua trên không, đi lại trên biển cùng các hoạt động khác theo luật quốc tế", ông Kirby nhấn mạnh.

Đáp lại các tuyên bố và hành động của Mỹ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9-4 đã lên tiếng phản đối. Theo Hãng thông tấn AFP, New Delhi đã chuyển tải các quan điểm của mình về vụ việc thông qua kênh ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ kế đó viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, khẳng định nước này không ủy quyền cho các quốc gia khác "thực hiện các cuộc tập trận hoặc diễn tập quân sự mà không có sự đồng ý" của nước liên quan.

Tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội xung quanh động thái lần này của Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi tàu chiến Mỹ đang làm gì trong vùng biển của Ấn Độ. Một số người cho rằng đây không phải là hành động một nước đối tác như Mỹ nên làm.

Sự việc xảy ra khi quan hệ giữa Washington và New Delhi đang trên đà phát triển, liên tục được củng cố bởi các cuộc tập trận hải quân trong khuôn khổ Tứ giác kim cương gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.

Hồi tháng 11 năm ngoái, cả 4 nước thuộc Tứ giác kim cương đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc tập trận hải quân chiến lược ở vịnh Bengal. Hôm 5-4, nhóm này cũng lần đầu tiên tập trận chung với Pháp, một quốc gia đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đây không phải lần đầu tiên tàu chiến Mỹ đi vào một vùng biển cụ thể để thách thức các yêu sách hàng hải "quá mức". Theo dữ liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, trong năm 2020 tàu chiến Mỹ đã đi vào cả vùng biển gần Hàn Quốc và Nhật Bản để phản đối các yêu cầu, hạn chế di chuyển trên biển.

Trung Quốc, với các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông, là đối tượng bị tàu chiến Mỹ thách thức và phản đối nhiều nhất trong năm 2020 và 3 năm trước đó.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC