Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) - nơi chịu trách nhiệm khu vực Trung Đông và các vùng kế cận theo phân chia trong quân đội Mỹ - cho biết tàu chở dầu Wind bị trúng một tên lửa chống hạm của Houthi vào khoảng 1h sáng 18-5 theo giờ địa phương.
Tuyên bố của CENTCOM đăng trên mạng xã hội X cho biết vụ tấn công khiến hệ thống đẩy và lái của tàu bị hỏng, tuy nhiên không có thương vong nào được báo cáo trên con tàu.
Một tàu chiến của liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu đã ngay lập tức phản ứng sau vụ việc. Tuy nhiên thủy thủ đoàn trên tàu Wind đã khắc phục hư hỏng và khả năng lái mà không cần sự trợ giúp nào. Con tàu sau đó tiếp tục hành trình, không cần lai dắt hay trợ giúp gì khác.
"Hành vi ác ý và liều lĩnh liên tục của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đe dọa sự ổn định khu vực, gây nguy hiểm đến tính mạng của những người đi trên Biển Đỏ và vịnh Aden", CENTCOM nêu chỉ trích.
Công ty an ninh Ambrey của Anh cho biết vụ tấn công xảy ra cách thành phố cảng Mokha ở Biển Đỏ của Yemen khoảng 10 hải lý. Tên lửa đã gây ra hỏa hoạn ở khoang lái của tàu Wind.
Con tàu nhận dầu từ kho Sheskharis ở cảng Novorossiysk trên Biển Đen của Nga và đang trên đường tới Trung Quốc.
Hiện Nga, Trung Quốc và Iran chưa bình luận gì về sự việc trên.
Đối mặt với các sức ép và căng thẳng với phương Tây, quan hệ giữa ba nước này đã ngày càng gần gũi trong thời gian qua.
Tàu chở dầu Wind treo cờ Panama và thuộc sở hữu của Hy Lạp - Ảnh: FleetMon
Houthi phát động cuộc tấn công vào các tàu được cho là của Israel và đồng minh của nước này đi qua Biển Đỏ để đáp trả việc Tel Aviv phát động chiến dịch quân sự tiêu diệt Hamas.
Houthi nắm quyền kiểm soát hầu hết các khu vực đông dân cư của Yemen và nhận được sự hậu thuẫn từ Iran.
Hồi tháng 3, nhóm này được cho là đã cam kết không tấn công các tàu của Nga và Trung Quốc đi qua Biển Đỏ. Tuy nhiên một số vụ xảy ra sau đó cho thấy lực lượng này không có đủ thông tin để đánh giá tàu hoặc hàng hóa trên đó thực sự thuộc về ai.
Nhiều tháng xảy ra các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các công ty phải điều chỉnh sang hải trình dài hơn và đắt đỏ hơn qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Iran xác nhận đang đàm phán gián tiếp với Mỹ để giảm căng thẳng
Hai quan chức hàng đầu của chính quyền Joe Biden đã tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp với những người đồng cấp Iran trong tuần này để tránh leo thang căng thẳng, theo trang tin Axios.
Các cuộc đàm phán có sự tham gia của cố vấn của tổng thống Mỹ về Trung Đông Brett McGurk và phó đặc sứ Mỹ tại Iran Abram Paley, đánh dấu vòng thảo luận đầu tiên giữa Mỹ và Iran kể từ tháng 1.
Tại Tehran, truyền thông nhà nước Iran dẫn lời phái đoàn nước này tại Liên Hiệp Quốc xác nhận thông tin và nói rằng các cuộc đàm phán là một "quá trình đang diễn ra".
"Những cuộc đàm phán này không phải đầu tiên, cũng không phải cuối cùng", hãng thông tấn IRNA dẫn lời phái đoàn cho biết ngày 18-5.
DUY LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online