Khoang chứa từ Hayabusa-2 đi vào bầu khí quyển của Trái đất - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, các nhà khoa học cho biết dù dự đoán nặng chưa đến 0,1gr, mẫu vật từ Hayabusa-2 có thể giúp các nhà khoa học khám phá nguồn gốc sự sống.
Nhóm phụ trách dự án thuộc Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết khoang chứa mẫu vật được thả vào lúc 2h30 chiều thứ bảy, giờ Nhật Bản, tại điểm cách Trái đất khoảng 220.000km.
Khoảnh khắc khoang chứa này quay trở lại bầu khí quyển cua Trái đất đã tạo nên một tia sáng trên bầu trời, tựa như sao băng.
"Sáu năm và khoang chứa cuối cùng đã trở về Trái đất", một quan chức cảm thán trong bản tin trực tuyến quá trình khoang chứa trở về. Những hình ảnh ghi lại cho thấy cảnh nhân viên JAXA ăn mừng trong phấn khích.
Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ăn mừng hôm 6-12 - Ảnh: AFP
Theo AFP, khoang chứa đã đáp cánh xuống khu vực sa mạc phía nam nước Úc. Nhóm nghiên cứu của JAXA sẽ thu hồi khoang chứa từ khu vực rộng khoảng 100km2 này.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Woomera Range tại bang South Australia, Úc, của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) cho biết đang giám sát kỹ lưỡng khoang chứa trên.
Mẫu vật trong khoang chứa được thu hồi từ tiểu hành tinh Ryugu, cách Trái đất khoảng 300 triệukm. Đây là giai đoạn thứ 2 trong nhiệm vụ được Hayabusa thực thi năm ngoái.
Những mẫu vật trên bao gồm cả bụi bề mặt và các hợp chất nguyên sinh bên dưới lớp vỏ của Ryugu.
Giới khoa học cho rằng các tiểu hành tinh không hề bị biến chất kể từ khi vũ trụ được hình thành, trong khi các thiên thể lớn hơn như Trái đất đã trải qua nhiều thay đổi căn bản từ quá trình đốt nóng và đông đặc.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online