Đợt bão tuyết kỷ lục suốt trung tuần tháng 2 ở bang Texas (Mỹ) đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng cũng như khiến hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn nặng nề. Theo tờ New York Times, đợt thiên tai này “là một cảnh báo sâu sắc”.

42 1 Texas Te Liet Vi Gia Lanh  Bai Hoc Cho My

Cơn bão mùa đông Uri khiến Texas chìm trong giá lạnh lịch sử, làm giao thông tê liệt, mất điện trên diện rộng. Ảnh: AFP

Ban bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng

Texas – vốn quen thuộc với cái nóng có lúc lên đến 45°C – thì cơn bão mùa đông Uri quét qua suốt những ngày qua và một số vùng của Mexico làm nhiệt độ giảm mạnh. Tiểu bang thuộc miền nam nước Mỹ này trải qua đợt giá rét và tuyết rơi dày kỷ lục. Tại sân bay quốc tế Houston, ngày 16.2, nhiệt độ xuống -10,5°C, mức được coi là chưa từng có từ cuối thế kỷ XIX đến nay, theo cơ quan khí tượng Pháp.

Tổng thống Joe Biden ngày 20.2 đã tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng đối với Texas, mở khóa đợt hỗ trợ liên bang lớn hơn cho khu vực này khi nhiệt độ giảm từ -2 độ C xuống đến -22 độ C.

Hơn 14 triệu gia đình thiếu nước dùng, theo RFI. Việc thiếu điện để vận hành các nhà máy xử lý nước đồng nghĩa với việc khoảng 7 triệu người dân Texas phải sử dụng nước bị ô nhiễm. Toàn tiểu bang Texas cũng rơi vào cảnh mất điện. Hơn 4 triệu người dân Texas không có điện vào đầu ngày 16.2. Đến ngày 18.2, gần 2 triệu ngôi nhà trên khắp Texas được khôi phục điện, mặc dù khoảng 325.000 người dân Texas vẫn không có điện.

Trong suốt ba đêm (từ ngày 15 đến 17.2), William Martinez (42 tuổi), vợ cùng hai con nhỏ gần như hoàn toàn bất lực ở trong nhà tại San Antonio. Không ai có thể tắm trong ba ngày đó vì tất cả đường ống nước bị đóng băng. Nguồn điện duy nhất mà gia đình có được chỉ kéo dài vài giờ và không quá hai lần một ngày. Cả gia đình Martinez phải ủ ấm bằng chăn và lò sưởi. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng điều gì đó như thế này sẽ xảy ra ở đây” – Martinez nói với Yahoo News vào chiều 17.2.

Martinez và gia đình anh là một ví dụ điển hình. Một số người đã phải trải qua bốn ngày không có điện. Thomas Black (29 tuổi) đến từ Dallas đã đăng những hình ảnh về sự tàn phá của đợt giá rét này trên trang Twitter của mình. Ở một bức ảnh, anh chụp hành lang của khu chung cư đóng băng và những dải băng dài 1,2m trên một chiếc quạt trần trong nhà.

Ngoài ra, trên các mạng xã hội, nhiều video lan truyền cho thấy, các bể bơi trong khu chung cư, khách sạn bị đóng băng, nước tràn vào nhà từ các đường ống vỡ. Tính đến ngày 21.2, khoảng 70 thiệt mạng trên toàn quốc do băng tuyết và lạnh giá, trong đó hơn 10 người chết tại nhà do cơ thể mất nhiệt, theo AP. Tại Texas, hơn 30 người tử vong khi “cơn ác mộng” do giá lạnh vẫn tiếp diễn.

Bão tuyết kỷ lục gây mất điện, nước cũng đẩy các y bác sĩ tại các bệnh viện ở bang Texas vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết trong bối cảnh phải đối phó với đại dịch COVID-19. Kathuria và một số bác sĩ khác ở Texas cho biết, họ chưa bao giờ chứng kiến khoảng thời gian khó khăn hơn tuần vừa qua.

“Chúng tôi hoàn toàn quá tải. Điều này tồi tệ hơn nhiều so với khi chúng tôi đối mặt với dịch COVID-19. Việc hỏng hóc hệ thống đã gây khó khăn lớn cho các phòng cấp cứu cũng như trong các căn hộ của chúng tôi” – bác sĩ Kathuria, người làm việc ở nhiều phòng cấp cứu trong khu vực Austin, chia sẻ.

Một số bệnh viện phải trữ nước trong bể chứa hoặc thuê xe chở nước. Những bệnh viện khác có nước sinh hoạt nhưng không có nước uống. Các bác sĩ tại thành phố Austin, Houston và khu vực Dallas cho hay, thiếu nước là vấn đề nghiêm trọng nhất với họ. Các máy lọc máu không thể hoạt động khi thiếu nước, cũng như không thể tiệt trùng các dụng cụ phẫu thuật và rửa tay.

Bác sĩ Neil Gandhi – Giám đốc y tế khu vực của các khoa cấp cứu tại 7 bệnh viện của hệ thống Houston Methodist – nói rằng, những ngày đầu trung tuần tháng 2, 2 trong số 7 bệnh viện này chỉ có thể tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. “Cùng với đại dịch COVID-19, đây là thảm hoạ kép cho cả bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi” – ông Gandhi nói.

Giao thông tê liệt. Nhiều chiếc xe cứu thương đã rất chật vật để đón bệnh nhân trên những con đường chưa được dọn sạch, do các thành phố ở bang Texas không đủ muối và thiếu các máy dọn tuyết. Các bác sĩ phòng cấp cứu độc lập đôi lúc phải đợi đến 9 tiếng kể từ khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp 911 do chờ xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Theo ông Gandhi, Houston có những thời điểm mà toàn bộ khu dân cư không có bất kỳ dịch vụ y tế khẩn cấp nào.

Các bệnh viện đã phải xây dựng nhà vệ sinh di động. Việc điều trị của những bệnh nhân lọc máu ít nguy kịch cũng bị trì hoãn, trong khi những bệnh nhân khác bị hạn chế thời gian sử dụng máy móc.

Theo ông John Henderson – Chủ tịch Tổ chức Bệnh viện Nông thôn và Cộng đồng Texas, các bệnh viện nông thôn trên khắp Texas không chỉ đang cố gắng điều trị bệnh nhân trong điều kiện khắc nghiệt, mà còn đóng vai trò là “trung tâm sưởi ấm” cho những người khỏe mạnh.

Nguyên nhân do đâu?

Tại Texas, thị trường điện hoàn toàn bị rối loạn. Một số khách hàng đã chọn trả tiền theo giá thị trường khi phải đối mặt với tình trạng nhu cầu điện bùng phát, trong lúc khả năng cung cấp bị hạn chế. Với các hóa đơn bình thường vài nghìn USD, một cư dân ở Dallas chẳng hạn đã phải trả đến 17.000 USD chỉ cho điện dùng trong một vài ngày, RFI cho hay.

Sáu ngày bão tuyết tại Texas có thể đã khiến bang này thiệt hại đến 50 tỉ USD, theo ước tính sơ bộ của các nhà bảo hiểm. Tức là tương tự, thậm chí còn hơn cả siêu bão Harvey đã tàn phá Texas năm 2017 (với 107 người chết).

Với tình trạng mất điện – một trong những nguyên nhân khiến Texas tê liệt, nhiều chính trị gia bảo thủ và các chuyên gia đổ lỗi cho các nguồn năng lượng tái tạo. Cựu Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry nói rằng, việc phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời ít nhất cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất điện.

Nghị sĩ bang – Dan Crenshaw – cũng viết trên Twitter, chỉ ra rằng năng lượng tái tạo không phải là nguyên nhân duy nhất. Song Tucker Carlson đả kích những trụ điện gió trên chương trình Fox News. “Tất cả đều hoạt động tuyệt vời cho đến ngày bên ngoài trời trở lạnh. Những trụ điện gió bị hỏng giống như những phụ kiện thời trang ngớ ngẩn mà chúng ta có, và người dân ở Texas đã chết” – Carlson nói.

Trước đánh giá này, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ các tuyên bố kiểu như vậy và cho hay điều ngược lại: “Trên thực tế, nhiều báo cáo đã thực sự cho thấy điều ngược lại – rằng chính những thất bại về than và khí đốt tự nhiên đã góp phần vào tình trạng thiếu điện của bang này”.

Hạ nghị sĩ Rafael Anchía, một thành viên Đảng Dân chủ của Cơ quan lập pháp Texas, cũng bác bỏ quan điểm cho rằng năng lượng xanh là nguyên nhân gây ra các tai ương về điện trong bang. “Chủ yếu là do các vấn đề về hệ thống khí đốt tự nhiên” – Dan Woodfin, một giám đốc cấp cao của Hội đồng độ tin cậy điện của Texas (hay ERCOT) – cơ quan vận hành, giám sát lưới điện, tuyên bố. Theo số liệu của chính phủ do ERCOT cung cấp, khoảng 47% sản lượng điện được tạo ra ở Texas là từ khí đốt tự nhiên. 20% được tạo ra từ than đá và 20% khác từ gió. Chỉ 11% được tạo ra từ các nhà máy hạt nhân và chỉ hơn 1% đến từ các nguồn năng lượng mặt trời.

Houston Chronicle đưa tin, sản lượng khí đốt tự nhiên giảm mạnh do nhiệt độ giảm mạnh, hạn chế lượng điện mà các nhà máy ở Texas có thể sản xuất.

Tuy nhiên, Thống đốc Texas Greg Abbott nhận xét rằng, việc mất điện sẽ là một lời cảnh báo về việc áp dụng cái gọi là kế hoạch Thỏa thuận Mới Xanh để cắt giảm lượng khí thải carbon – nguyên nhân chính làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Về lâu dài, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng và không được kiểm soát, các rủi ro sẽ càng nghiêm trọng.

Nhiều nhà khoa học khẳng định, đợt bão tuyết kinh hoàng và hiếm có này tại Texas có mối liên hệ trực tiếp với việc Trái đất bị nóng lên. Tờ New York Times ghi nhận, đợt thiên tai này “là một cảnh báo sâu sắc”. Biến đổi khí hậu khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan, như “bão, lũ lụt, khô hạn, cháy rừng và các hiện tượng cực đoan khác xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn”, đe dọa các cơ sở hạ tầng của toàn bộ xã hội, từ các mạng lưới giao thông, hệ thống nước sạch, nhà máy điện, mạng lưới điện, cơ sở lưu giữ phế thải công nghiệp cho đến nhà cửa. Chỉ cần một trong các hệ thống này sụp đổ, sẽ gây ra khủng hoảng dây chuyền. Việc quản lý các rủi ro ngày càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.

“Chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng để đối phó với nó” – Cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng Liz Sherwood-Randall nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại.

Các nhà khoa học khí hậu cũng cảnh báo rằng, các cơn bão mùa đông cực đoan như cơn bão đã làm tê liệt phần lớn nước Mỹ trong khoảng 2 tuần qua có khả năng sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ ngay cả khi trái đất tiếp tục ấm lên.

HUYỀN ANH (TỔNG HỢP)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC