Tờ Indian Express (Ấn Độ) đưa tin, trong bối cảnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đang thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa trên toàn thế giới, Ấn Độ - một thành viên sáng lập trong nhóm - mới đây cho biết, khi họ đang theo đuổi lợi ích thương mại của mình, việc tránh sử dụng đồng đô la Mỹ không phải là một phần trong chính sách kinh tế của Ấn Độ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Ảnh: Indian Express
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 1/10 nói rõ rằng, nước này không có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào đô la Mỹ và sẽ sử dụng đồng tiền này cho hoạt động thương mại và các giao dịch khi nó vẫn là công cụ thanh toán cần thiết.
Ông Jaishankar lưu ý rằng các chính sách của Mỹ thường làm phức tạp hoạt động thương mại với một số quốc gia nhất định và Ấn Độ đang tìm kiếm "giải pháp thay thế" mà không có ý định từ bỏ việc sử dụng đồng đô la, không giống như một số quốc gia khác.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ nói thêm rằng một thế giới đa cực cuối cùng sẽ được phản ánh trong "tiền tệ và các giao dịch kinh tế".
"Chúng tôi [Ấn Độ] chưa bao giờ chủ động nhắm vào đồng đô la. Đó không phải là một phần trong chính sách kinh tế, chính trị hoặc chiến lược của chúng tôi. Một số quốc gia khác có thể đã làm như vậy. Tôi sẽ nói rằng chúng tôi có một mối quan tâm tự nhiên”, ông Jaishankar nói.
“Chúng tôi thường có những đối tác thương mại thiếu đô la để giao dịch. Vì vậy, chúng tôi phải quyết định xem có nên từ bỏ giao dịch với họ hay tìm giải pháp thay thế khả thi. Không có ý định xấu nào đối với đồng đô la", ông Jaishankar phát biểu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ có văn phòng ở Washington, Moskva, Beirut, Bắc Kinh, Brussels và New Delhi.
Theo Indian Express, phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm Nga và Trung Quốc đang tích cực giảm thiểu sử dụng đô la trong thương mại song phương sau khi Mỹ loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Chính phủ Nga từng tuyên bố vào năm ngoái rằng, hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng rúp và nhân dân tệ đã đạt 95%. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong năm tài chính gần nhất đã vượt quá 200 tỷ USD.
Theo trang tin tài chính watcher.guru (Mỹ), động thái của Ấn Độ là một sự kiện mang tính bước ngoặt, hoàn toàn trái ngược với sáng kiến của BRICS khi liên minh này đang thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa trên toàn thế giới.
Watcher.guru dẫn lời một số nguồn tin cho biết, Ấn Độ không hài lòng với tiến trình phi đô la hóa do các thành viên BRICS là Trung Quốc và Nga thúc đẩy. Theo những nguồn tin này, Ấn Độ nhận định rằng Trung Quốc đang sử dụng BRICS như một bước đệm để củng cố sự thống trị của mình trên toàn thế giới.
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS (từ trái sang): Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng 8/2023. Ảnh: AFP
Trong khi đó, dữ liệu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cơ cấu tiền tệ trong dự trữ ngoại hối (COFER) chỉ ra sự suy giảm dần dần về tỷ trọng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương và chính phủ các nước.
Tuy nhiên, theo IMF, vai trò giảm sút của đồng đô la trong hai thập kỷ qua không tương xứng với sự gia tăng về thị phần của "bốn loại tiền tệ lớn" khác là đồng euro, đồng yên và đồng bảng Anh.
"Thay vào đó, việc này đi kèm với sự gia tăng thị phần của những loại tiền tệ mà chúng tôi gọi là tiền tệ dự trữ phi truyền thống, bao gồm đồng đô la Úc, đô la Canada, đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đồng won Hàn Quốc, đô la Singapore và các loại tiền tệ Bắc Âu", IMF cho biết.
Vào tháng 7 năm nay, IMF cho biết, một loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống đang giành được thị phần là đồng nhân dân tệ Trung Quốc, với mức tăng bằng 1/4 mức giảm thị phần của đồng đô la Mỹ.
"Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các chính sách trên nhiều mặt trận để thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, bao gồm phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới, mở rộng các hạn mức hoán đổi và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương", IMF cho biết.