Tháp Eiffel đã mở lại ngày 25/6, kết thúc quãng thời gian đóng cửa dài nhất kể từ Thế chiến 2 và phản ánh nỗ lực bình ổn của Pháp khi đại dịch vẫn chưa có điểm dừng.

Du khách đến với toà tháp hơn 300 m lần đầu tiên sau hơn 3 tháng phải đối mặt với trở ngại mới: những bậc thang.

Những chiếc thang máy đưa du khách lên xuống tham quan tháp tạm thời vẫn ngừng hoạt động vì tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Thay vào đó, khách tham quan phải đeo khẩu trang và leo 674 bậc thang để đến được tầng 2 của tháp.

Quyết tâm lấy lại vị thế điểm đến du lịch hàng đầu thế giới

Du khách phải bước theo đường băng xanh để chắc chắn rằng họ cách nhau khoảng 2 m. Các trạm rửa tay có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, tầng trên cùng của toà tháp, vì bị giới hạn không gian, vẫn đang bị đóng cửa.

42 1 Thap Eiffel Di Qua The Chien Va Khung Bo Nhung Covid 19 Tan Khoc Hon

Pháp quyết tâm mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế và tái thiết lập để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

Số lượng khách du lịch châu Âu đến Pháp đã giảm xuống khi nhiều người lựa chọn ở nhà thay vì lên lỏi qua các quy tắc kiểm dịch. Vào ngày 1/7, Liên minh châu Âu sẽ dỡ bỏ lệnh cấm du lịch đối với những người không phải là dân châu Âu.

Thế nhưng, khi Mỹ và các quốc gia khác vẫn đang vật lộn với số ca lây nhiễm gia tăng, một số quan chức đã nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này.

Quá nửa trong số 40 triệu người đến Paris mỗi năm là người nước ngoài, theo số liệu của văn phòng du lịch thành phố. Có đến 23.000 du khách đến tháp Eiffel mỗi ngày vào mùa hè. Con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn không quá 4.000 trong năm nay, theo Société d'Exploites de la Tour Eiffel, nơi quản lý di tích này.

42 2 Thap Eiffel Di Qua The Chien Va Khung Bo Nhung Covid 19 Tan Khoc Hon

Du khách tại tháp Eiffel sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: AP.

Virus corona là thử thách lớn hơn cả khủng bố

Không nhiều sự kiện trong lịch sử gần đây có thể làm gián đoạn hoạt động tham quan tại tháp Eiffel. Toà tháp này đã đóng cửa một vài ngày sau cuộc khủng bố tại Paris tháng 11/2015 khiến 130 người chết.

Vào năm 2018, tòa tháp đã được trang bị thêm một hàng rào chống đạn để chống lại cái nguy cơ khủng bố. Sau khi phong trào áo khoác vàng lan rộng vào cuối năm 2018, tháp đóng cửa mỗi ngày thứ bảy, khi người tham gia biểu tình thường tụ tập.

Thế nhưng, virus corona chủng mới này đã chứng mình rằng nó còn là một thử thách lớn hơn tất cả, theo Patrick Branco Ruivo, giám đốc của Société d'Exploites de la Tour Eiffel.

Toà tháp khổng lồ hơn 130 tuổi này đã đóng cửa được 104 ngày trước khi chính phủ ra lệnh đóng cửa đất nước vào ngày 17/3. Điều này khiến công ty quản lý thiệt hại tới 30,3 triệu USD.

Chính quyền hy vọng sẽ giảm bớt khoảng cách xã hội tại tháp trong những tuần tới, bao gồm cả việc đóng cửa tầng quan sát cao nhất.

Không đến 100 người vượt qua cổng kiểm soát an ninh để đến cổng vào của toà tháp trước 10h, được chào đón bởi một hàng dài các nhà báo.

42 3 Thap Eiffel Di Qua The Chien Va Khung Bo Nhung Covid 19 Tan Khoc Hon

Du khách tại tháp Eiffel sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: Thibault Camus/ AP Photo.

Ông Branco Ruivo rất lạc quan trước tình hình này, thậm chí so sánh những ngày tiếp theo với buổi tiệc cưới sau một thời gian dài căng thẳng. "Thật tuyệt khi có thể quên hết mọi thứ và tận hưởng chuyến đi cũng như là khung cảnh Paris từ trên cao", ông nói.

Pháp ghi nhận hơn 30.000 người chết vì virus corona cho đến nay, nhưng các cơ quan y tế khẳng định dịch bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát, với số ca nhiễm mới đã giảm nhiều so với những ngày tháng 3 và 4. Tổng thống Pháp cũng hướng sự tập trung đến việc mở cửa trở lại trường học, nhà hàng và các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều sự thay đổi xảy ra do đại dịch.

Chỉ có 750 người mua vé tham quan tháp Eiffel vào ngày đầu tiên mở lại, theo Société d'Exploites de la Tour Eiffel. 11.000 vé mà công ty đã bán trực tuyến tuần trước đó chủ yếu cho các du khách người Pháp, những người chỉ chiếm 20% số lượng du khách đến thăm tháp Eiffel trước đại dịch.

Vào ngày 30/6, tháp Eiffel được mong đợi sẽ đón sự trở lại của nhà hàng nổi tiếng Le Jules Verne, nơi ông Macron đã đón tiếp Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm năm 2017.

Bếp trưởng nhà hàng, Frédéric Anton, nói rằng nhà hàng 1 sao Michelin này đã lỗ mất 5 triệu USD vì lệnh cách ly. Trong quãng thời gian đó, ông và 130 nhân viên của mình phải nhận tiền trợ cấp của nhà nước.

Với các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, các bàn phải xếp cách nhau 1 m, khiến cho không gian chứa được 100 chỗ chỉ có thể mở cửa cho 70 người, ông Anton cho biết. Khách hàng sẽ mang thực đơn được in bằng những phục vụ đeo găng tay như một món quà lưu niệm, hơn là chuyền tay nhau trong phòng ăn.

Bảo tàng Louvre, nơi tiếp đón 9,6 triệu người vào năm 2019, được ấn định mở cửa trở lại vào 6/7, một tháng sau Cung điện Versailles. Những người yêu thích nghệ thuật sẽ phải mua vé trực tuyến để có thể tham quan bảo tàng và vòng vèo qua nhiều bước để được chiêm ngưỡng nàng "Mona Lisa" của danh dọa Leonardo da Vinci. Bảo tàng được kỳ vọng sẽ thu hút 10.000 lượt ghé thăm vào mùa hè này, giảm từ 50000 vào những mùa hè trước, theo quản lý bảo tàng.

Người dân Paris tham quan tháp Eiffel, tuy nhiên, đã thấy một điểm sáng từ những sự suy giảm kể trên sau đại dịch: không có những đám đông. "Bạn thường phải xếp hàng và chờ đợi hàng giờ đồng hồ tại tháp Eiffel", ông Saillard nói. "Đây là thời điểm tuyệt vời để ghé thăm đấy".

Việt Linh Nguyễn  Theo Wall Street Journal 

Nguồn: Zing.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC