Lãnh đạo bốn nước Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tại buổi họp báo chung ở Istanbul, ngày 27/10/2018
Tuyên bố chung Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Pháp-Đức, được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đọc, sau khi hội nghị kết thúc, có đoạn: "Thượng đỉnh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì ngừng bắn (tại Idlib), cũng như tính cần thiết của việc tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố".
Tham gia thượng đỉnh về Syria, còn có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cũng trong bản tuyên bố chung, lãnh đạo bốn nước cùng kêu gọi thiết lập trước cuối năm nay, một ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria.
Dự án Hiến pháp Syria mới là sáng kiến của bộ ba Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đưa ra hồi đầu năm nay, được coi là cơ sở cho tiến trình chuyển tiếp chính trị, giúp Syria thoát khỏi cuộc xung đột huynh đệ tương tàn. Tuyên bố chung Istanbul cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Syria, cũng như việc tạo điều kiện cho việc người tị nạn trở về bản quán.
Riêng về Tổng thống Syria Bachar al-Assad, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: "Số phận của lãnh đạo Syria sẽ do chính nhân dân nước này, ở trong và ngoài nước, quyết định". Để thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, mọi con mắt đều hướng về Matxcơva.
Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và lập vùng đệm, cho phép tránh một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhắm vào Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy, trong đó có nhiều lực lượng được Ankara hậu thuẫn, tuy nhiên, một số đụng độ trong những ngày gần đây gây lo ngại là ngừng bắn sẽ không kéo dài. Liên quan tới công tác tái thiết Syria, Nga kêu gọi châu Âu chung tay.
Theo nhà nghiên cứu Thomas Pierret, chuyên gia về Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), Nga chỉ cần tiền của Liên minh châu Âu hơn là công sức.
Trên thực tế, để tái thiết Syria, Tổng thống Putin xác định chỉ có hai nguồn tài chính tiềm tàng: Các vương quốc vùng Vịnh và Liên minh châu Âu.
Thế nhưng, với đối tác Arập, Nga khó có thể trông cậy do yếu tố Iran, đối thủ hàng đầu của các nước vùng Vịnh trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông. Về phần Liên minh châu Âu, từ lâu chính quyền Matxcơva công khai khẳng định rằng khối này phải chi trả tiền tái thiết. Nhưng lập trường của EU cũng rất rõ ràng chỉ tài trợ khi nào có chuyển đổi chính trị.
Dù vậy, Điện Kremlin cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận nào đó với Liên minh châu Âu trong vấn đề này, ít nhất là để giúp đỡ những người tị nạn Syria.
Trong khi đó Ziad Majed, giáo sư nghiên cứu Trung Đông của Pháp, thì cho rằng Nga muốn thúc đẩy châu Âu đi đến bình thường hóa quan hệ với chính quyền Damas. Bởi vì, cả Nga và Iran đều không đủ phương tiện kinh tế để hỗ trợ tái thiết Syria, tuy cả hai đều là cường quốc quân sự.
Do vậy, theo ông, cả Matxcơva và Tehran đều cần đến túi tiền của EU. Và như vậy, thông qua tài trợ tái thiết, Bruxelles có thể bình thường hóa quan hệ với Damas.
H.Phan - Theo AFP
Nguồn: petrotimes.vn