Bắc Kinh sắp ra luật trấn áp biểu tình Hồng Kông
Nikkei cho hay, Hồng Kông là một chủ đề trung tâm tại phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tại lễ bế mạc kỳ họp hôm thứ Năm (31/10), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra vấn đề về việc xây dựng một đạo luật mới nhằm giải quyết các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở Hồng Kông.
Một thông cáo phát hành sau cuộc họp kín kéo dài bốn ngày của ĐCSTQ đã kêu gọi thiết lập một hệ thống pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia. Đây là một thông điệp cho thấy ĐCSTQ có thể sẽ “đạo diễn” cho ra đời một đạo luật nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình và các cơ chế hỗ trợ cảnh sát Hồng Kông trấn áp người dân ở đây tuần hành yêu cầu dân chủ.
Theo Nikkei, bên cạnh vấn đề Hồng Kông, nền kinh tế suy thoái và thương chiến với Mỹ là các chủ đề được những thành viên cao cấp nhất của ĐCSTQ bàn thảo. Tuy nhiên, theo tờ báo Nhật, chưa có manh mối nào cho thấy ĐCSTQ đề ra được biện pháp đáp trả Hoa Kỳ, trong cuộc thương chiến kéo dài chưa thấy hồi kết, khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao.
IS xác nhận al-Baghdadi đã chết, tuyên bố có thủ lĩnh mới
Lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, hôm thứ Năm (31/10), lên tiếng xác nhận thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã bị giết trong một cuộc đột kích cuối tuần trước của lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ ở vùng Tây Bắc Syria, đồng thời tuyên bố sẽ trả thù Mỹ, theo Reuters.
IS xác nhận cái chết của al-Baghdadi trong một băng ghi âm được đăng trực tuyến và cho biết đã chọn được người thay thế thủ lĩnh cũ. Thủ lĩnh mới có tên là Abu Ibrahim al-Hashemi al-Quraishi.
Aymenn al-Tamimi, một nhà nghiên cứu chuyên về IS tại Đại học Swansea, cho rằng tên của thủ lĩnh mới lạ lẫm nhưng có thể nó ám chỉ một nhân vật hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo có tên thật là Hajj Abdullah, người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định là người kế vị al-Baghdadi.
Nghị viện chỉ trích Chính phủ Anh không lo mối đe dọa an ninh từ Nga
Một ủy ban của Nghị viện Anh đã cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Johnson không coi trọng mối đe dọa an ninh từ Nga, mặc dù báo cáo của họ cho thấy các gián điệp của Kremlin đã làm sai lệch kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đối với Brexit năm 2016, theo The Guardian.
Ủy ban tình báo và an ninh liên đảng cho biết họ đã mong đợi Thủ tướng Johnson phê duyệt báo cáo an ninh dài 50 trang của họ vào thứ Năm (31/10), nhưng với tình hình hiện tại, báo cáo này có thể bị trì hoãn lại sau cuộc bầu cử Nghị viện mới, dự kiến tổ chức vào tháng 12.
Dominic Grieve, chủ tịch Ủy ban, phàn nàn trong một cuộc họp của Nghị viện rằng Phố Downing không có lời giải thích nào cho ý định rõ ràng về việc “trì hoãn” phê chuẩn báo cáo, trong khi nó đã được gửi tới chính phủ Anh từ ngày 17/10.
Lebanon: Tổng thống kêu gọi thành lập chính phủ kỹ trị
Tổng thống Lebanon, Michel Aoun, hôm thứ Năm, đã kêu gọi thành lập một chính phủ mới với thành viên là các nhà kỹ trị, sau khi Thủ tướng Saad al-Hariri từ chức do áp lực của các cuộc biểu tình trên toàn quốc chỉ trích chính phủ để nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, Reuters đưa tin.
Theo Tổng thống Aoun, các bộ trưởng trong chính phủ mới “nên được lựa chọn theo năng lực và chuyên môn của họ, chứ không xét theo lòng trung thành chính trị”.
Teheran giữ chân thủ tướng Iraq
Iran đã có hành động can thiệp để ngăn Thủ tướng Iraq Abdel Abdul Mahdi bị lật đổ bởi hai trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất tại Iraq, một nguồn tin nói với Reuters.
Giáo sĩ dân túy Shi’ite Moqtada al-Sadr tuần này đã yêu cầu Thủ tướng Abdul Mahdi tổ chức bầu cử sớm để xoa dịu các cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tuần qua. Ông Sadr cũng đề nghị một người có ảnh hưởng khác ở Nghị viện là Hadi al-Amiri, người được Iran hậu thuẫn, lật đổ Thủ tướng Mahdi.
Nhưng trong một cuộc họp bí mật ở Baghdad hôm thứ Tư, Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã can thiệp, yêu cầu Amiri và các tướng lĩnh quân đội tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Abdul Mahdi, theo các nguồn tin của Reuters.
Nguồn: Dkn.tv