Gần hai tháng sau khi tin tức về virus Corona mới (COVID-19) xuất hiện ở Trung Quốc, các nhà khoa học vẫn không biết dịch bệnh này bắt nguồn từ đâu.

42 1 Theo Chuyen Gia Chinh Quyen Trung Quoc Can Tro Cac Nghien Cuu Ve Nguon Goc Covid 19

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cuộc tìm kiếm nguồn gốc của virus này đã trở nên khó khăn hơn bởi sự thiếu minh bạch của chính phủ Trung Quốc.

Ông Sean Lin, một nhà nghiên cứu Virus học của Quân đội Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Có rất nhiều câu hỏi về nguồn gốc của virus vì chính phủ Trung Quốc không cung cấp đủ minh bạch các [kết quả] khảo sát sớm về vụ dịch”.

Chủ yếu của những câu hỏi này là về nguồn gốc dịch bệnh.

Các quan chức Trung Quốc cho rằng nơi sinh ra ổ dịch là Chợ hải sản Hoa Nam, một chợ hải sản và động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, những tiến triển gần đây đã đặt ra nghi ngờ về tuyên bố đó.

Một nghiên cứu của nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc được công bố trên tạp chí y khoa Lancet vào ngày 24/1, đã phân tích 41 trường hợp bệnh nhân nhiễm Coronavirus đầu tiên ở Vũ Hán và phát hiện ra rằng 14 người trong số những bệnh nhân này không có liên quan gì đến chợ hải sản.

Điều quan trọng là, các nhà nghiên cứu không thể tìm thấy “mối liên kết dịch tễ học” nào giữa bệnh nhân đầu tiên và các bệnh nhân về sau. Theo nghiên cứu này, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào ngày 1/12/2019. Thời điểm này cũng mâu thuẫn với báo cáo từ các cơ quan y tế Trung Quốc, cho rằng bệnh nhân đầu tiên biểu hiện các triệu chứng vào ngày 8/12/2019.

Một trong những tác giả của nghiên cứu sau đó đã xác nhận với BBC rằng bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông ở độ tuổi 70, nằm liệt giường sau khi bị đột quỵ. Ông này không có mối liên hệ nào với chợ hải sản. Điều này mở ra khả năng virus có thể đã lây lan ở nơi khác trước khi xâm nhập chợ.

Một nghiên cứu gần đây, chưa được các chuyên gia thẩm định, bởi một nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Viện Nghiên cứu về Não bộ Trung Quốc cho rằng Coronavirus đã bắt nguồn từ bên ngoài khu chợ, sau đó nhanh chóng lan rộng vào trong chợ hồi đầu tháng 12/2019 trước khi lây lan ra toàn thành phố.

Dựa trên phân tích dữ liệu bộ gen của virus, các nhà nghiên cứu cho rằng virus bắt đầu lây từ người sang người vào đầu tháng 12, hoặc thậm chí có thể vào cuối tháng 11.

Thông tin thiếu sót

Mặc dù các nghiên cứu di truyền có thể dần dần cung cấp chi tiết hơn về sự tiến hóa của dịch bệnh, nhiệm vụ truy tìm đường đi của dịch bệnh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn vì chính quyền Trung Quốc không công bố thông tin về các loại động vật có mặt ở chợ, cũng như không biết họ đã thử nghiệm các mẫu động vật lấy từ chợ Hoa Nam hay từ nơi khác ở Vũ Hán.

Những thông tin như vậy là rất quan trọng trong việc xác định loài động vật nào có thể đã mang Coronavirus trước khi nó truyền sang người.

Ông Guan Yi, giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm về Các bệnh Truyền nhiễm mới tại Đại học Hồng Kông, đã tới Vũ Hán cùng nhóm của mình vào tháng 1 với hy vọng lần ra loài động vật là nguồn của virus. Ông đã chỉ trích chính quyền Vũ Hán vì họ đã khử trùng chợ và cơ bản tạm dừng mọi cuộc điều tra.

Ông Guan nói với tạp chí tài chính Trung Quốc Caixin trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/1: “Không có hiện trường [của] ổ dịch”.

Ông Sean Lin cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự, nói rằng: “Vấn đề là chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ kết quả thử nghiệm nào của bất kỳ mẫu động vật nào được thu thập ở Vũ Hán”.

“Vì vậy, bạn không thể hiểu rõ về cách Coronavirus từ loài dơi… nhảy sang con người”.

Dơi được cho là vật chủ ban đầu của Coronavirus, tên chính thức là SARS-CoV-2. Sau đó, virus này được cho là đã truyền sang một hoặc nhiều loài động vật khác, hay còn gọi là các vật chủ trung gian, trước khi truyền sang con người. Dơi không được bán ở chợ Vũ Hán.

Cầy hương, động vật có vú được tìm thấy ở châu Á, là vật chủ trung gian của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), một dịch bệnh khác bắt nguồn từ Trung Quốc năm 2002, trong khi lạc đà là vật chủ trung gian của hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), bùng phát ở Ả Rập Saudi năm 2012. Trong cả hai dịch bệnh này, các nhà nghiên cứu đều truy ra vật chủ ban đầu là dơi.

Coronavirus mới được tìm thấy tương đồng đến 96,2% về di truyền với loại coronavirus được tìm thấy trong một con dơi móng ngựa vào năm 2013, được gọi là RaTG13, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - cách Vũ Hán 1.609,3 km. Đáng chú ý là đến ngày 23/1/2020, các nhà khoa học Trung Quốc thuộc Viện Virus học Vũ Hán mới công bố bộ gen RaTG13.

Bà Yuhong Dong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm virus và là giám đốc khoa học tại công ty công nghệ sinh học SunRegen Healthcare có trụ sở tại Thụy Sĩ, nói với The Epoch Times rằng sự tương đồng về gen như vậy không đủ để chứng minh rằng RaTG13 là nguồn trực tiếp của SARS-CoV-2, vì sự tương đồng của khoảng 99,9% mới đủ để được xác định là vật chủ ban đầu.

Bà Dong cho biết, chiều dài trình tự ARN của Coronavirus mới khoảng chừng là 30.000 nucleotit. Ngay cả một sự khác biệt di truyền chỉ 4% cũng có nghĩa là có ít nhất 1.200 nucleotit khác nhau. Sự khác biệt của 1.200 hợp chất này vẫn là con số đáng kể.

Gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông tuyên bố rằng SARS-CoV-2 có tỷ lệ trùng khớp 99% phù hợp với một coronavirus được xác định trong tê tê, cho thấy loài động vật có vảy này có thể là một vật chủ trung gian.

Nhóm các nhà khoa học này đã xem xét hơn 1.000 mẫu và tìm thấy 70% số tê tê mang virus từ cùng một họ mầm bệnh như SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, họ chưa công bố nghiên cứu hoặc bất kỳ dữ liệu nào từ các thử nghiệm. Họ cũng không tiết lộ những con tê tê mà họ đã thử nghiệm đến từ đâu, khiến cho tuyên bố của họ không thể xác minh được, bà Dong nói thêm.

Biến đổi gen?

Một số người cũng đưa ra một lý thuyết rằng coronavirus có thể là kết quả của kỹ thuật di truyền hoặc một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Đây là những khả năng mà ông Lin và bà Dong không thể loại trừ trong giai đoạn này.

Bà Dong nói rằng chứng minh virus là sản phẩm nhân tạo là cực kỳ khó khăn, vì quá trình này có thể được thực hiện mà không để lại bất kỳ bằng chứng đặc biệt nào.

“Tôi không thấy một bài báo khoa học nào có thể giải thích rõ ràng về nguồn gốc tự nhiên của virus, vật chủ tự nhiên và vật trung gian gần nhất của nó”, bà Dong nói thêm.

Câu hỏi liệu tác động của con người có thể dẫn đến virus hay không đã thu hút sự chú ý đáng kể. Một số phương tiện truyền thông và các nhà khoa học dán nhãn rằng điều này là một “thuyết âm mưu”.

Ông Lin nói rằng sự dán nhãn như vậy không có chỗ trong việc điều tra khoa học.

Ông Lin nói: “Khi mọi người đặt câu hỏi về nguồn gốc, điều đó không có nghĩa rằng đó là một thuyết âm mưu. Mọi người chỉ không biết đủ về cách thức virus đột biến”, và ông cho biết thêm rằng còn rất nhiều câu hỏi mà vẫn chưa có lời giải đáp.

Ông Fang Chi-tai, giáo sư tại Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU), cho biết tại một hội thảo được tổ chức tại NTU vào ngày 22/2, đột biến trong axit amin của virus - làm cho nó dễ lây truyền sang người hơn - là “bất thường theo nghĩa học thuật”, và ông nói thêm rằng những đột biến như vậy dường như không thể hình thành trong tự nhiên chỉ “trong một lần”.

Ông Fang nói: “Từ quan điểm học thuật, thực sự có khả năng các axit amin đã được thêm vào COVID-19 trong phòng thí nghiệm của con người”, Taiwan News đưa tin.

Các nhà khoa học khác đã bác bỏ ý tưởng này, nói rằng virus xuất phát từ một quá trình tiến hóa tự nhiên.

Ông Richard H. Ebright, giám đốc phòng thí nghiệm tại Viện Vi sinh vật Waksman và là giáo sư hóa học và sinh học hóa học tại Đại học Rutgers, cho biết dựa trên trình tự bộ gen và tính chất của virus, “không có cơ sở để nghi ngờ virus này được thiết kế [trong phòng thí nghiệm]”.

Nhưng ông Ebright đã bỏ ngỏ khả năng virus xâm nhập vào quần thể người thông qua một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm, “bởi vì coronavirus dơi, RaTG13, và các coronavirus dơi liên quan cũng được biết là đã từng có mặt trong phòng thí nghiệm”, ông nói với The Street, đề cập đến bộ sưu tập coronavirus tại Viện Virus học Vũ Hán. “Vụ lây nhiễm đầu tiên sang người cũng có thể xảy ra như một tai nạn trong phòng thí nghiệm”.

Viện Virus học Vũ Hán, nằm cách chợ Hoa Nam vài km, đã công khai phủ nhận họ là nguồn gốc của dịch bệnh.

Bà Dong nói rằng bà muốn thấy sự minh bạch hơn từ viện nghiên cứu này, chẳng hạn như tiết lộ tất cả các loại virus mà họ đang nghiên cứu để người ngoài có thể xác minh xem liệu nó có liên quan đến dịch bệnh hay không.

Ánh Tuyết

Theo The Epoch Times

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC