Lữ đoàn Cơ giới số 63 Ukraine ngày 21/3 công bố trên Telegram video một máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone) tập kích thiết giáp chở quân của lực lượng Nga. "Một thiết giáp nữa của Nga cháy rụi nhờ các phi công điều khiển drone của Lữ đoàn 63", bài đăng của đơn vị này có đoạn.
Theo bình luận viên Oliver Parken của War Zone, Lữ đoàn 63 dường như không nhận ra họ đã tập kích Ladoga, loại thiết giáp chở quân siêu hiếm của Nga. Video cho thấy drone tiếp cận thiết giáp Ladoga rồi lao vào từ phía sau, trước khi tín hiệu gián đoạn.
Nga điều thiết giáp chở quân siêu hiếm ra chiến trường
Drone Ukraine tập kích thiết giáp Ladoga của Nga trong video công bố ngày 21/3. Video: TWZ
Lữ đoàn 63 không công bố địa điểm cụ thể của vụ tập kích, song dường như đơn vị này đang chiến đấu cùng Lữ đoàn Cơ giới số 60 và số 93 của Ukraine gần thành phố Lyman, tỉnh Donetsk.
Thiết giáp Ladoga được chế tạo trên cơ sở khung thân xe tăng chủ lực T-80. Đây là mẫu thiết giáp đặc biệt được phát triển từ cuối những năm 1970, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lực bảo vệ trước nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, sinh học và hóa học.
Cabin của Ladoga có thể chứa 4 người, một nửa dành cho kíp lái và nửa còn lại dành cho quan chức cấp cao trong trường hợp nổ ra chiến tranh sinh hóa, hạt nhân. Xe có lớp lót chống phóng xạ và một số sửa đổi khác để đối phó sự cố hạt nhân. Hệ thống máy lọc không khí của Ladoga cho phép ngăn ngừa ô nhiễm không khí. Bên hông cabin của Ladoga có cửa kèm cầu thang.
Không rõ chính xác số lượng xe Ladoga được sản xuất, song dường như chỉ có 4-5 phương tiện này xuất xưởng, khiến nó trở thành mẫu thiết giáp siêu hiếm của Nga.
Thiết giáp Ladoga mang số thân 317 từng hoạt động tại Chernobyl sau thảm họa hạt nhân. Ảnh: VSSSSR
Lần xuất hiện đáng chú ý và dường như là duy nhất của Ladoga trước đây là trong thảm họa Chernobyl tháng 4/1986. Một thiết giáp Ladoga với số thân 317 được chuyển từ Leningrad, nay là St. Petersburg, tới Kiev vào tháng 5/1985. Nhóm chuyên trách sau đó dùng Ladoga trinh sát khu vực Chernobyl tới mùa thu năm 1986, sau đó thiết giáp được khử ô nhiễm và quay lại Leningrad.
Chưa rõ tình trạng của số thiết giáp Ladoga sau khi Liên Xô tan rã. Ít nhất một chiếc được trưng bày tại Nga. Một số người đặt câu hỏi về lý do Nga điều thiết giáp siêu hiếm Ladoga tham gia tiến công vị trí Ukraine.
"Ladoga có thể đảm nhận nhiệm vụ của thiết giáp chở quân, xe cứu thương bọc thép hoặc phương tiện chỉ huy và kiểm soát chiến trường", Parken nhận định. "Các tính năng tương tự xe tăng chủ lực T-80 trên thiết giáp Ladoga khiến Nga sử dụng chúng".
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET