Zafar Masood, Chủ tịch ngân hàng tỉnh Punjab, Pakistan, đã nhanh chóng được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) ở thành phố Karachi hôm nay.
"Cảm ơn mọi người rất nhiều. Thượng đế đã xót thương tôi", Masood nói trong bệnh viện khi được các quan chức hỏi thăm.
Chiếc máy bay mang số hiệu PK 8303 cất cánh từ Lahore đến sân bay quốc tế Jinnah, thành phố Karachi, chở theo gần 100 hành khách, đã gặp nạn và lao vào khu dân cư gần sân bay. PIA nghi ngờ vụ tai nạn xảy ra do lỗi kỹ thuật.
Giới chức Pakistan cho biết hai người đã sống sót sau vụ tai nạn, trong khi truyền hình địa phương đưa tin có ba người thoát chết và đều ngồi phía trước máy bay.
Theo những video được đăng trên mạng xã hội, nhiều em nhỏ cũng được cứu thoát khỏi hiện trường vụ máy bay rơi, trong đó có một em bé sơ sinh, được một người đàn ông nhanh chóng bế khỏi khu vực phong toả. Em bé được cho là xuất thân từ một gia đình sống trong khu dân cư bị máy bay đâm.
Nhiều em nhỏ khác cũng được nhân viên cứu hộ và lực lượng quân đội Pakistan bế khỏi đống đổ nát. Có nhiều em bị thương nhẹ đã được băng bó ngay tại hiện trường.
Người dân bế một em bé sơ sinh ra khỏi hiện trường vụ tai nạn máy bay ở thành phố Karachi, tỉnh Sindh, Pakistan, ngày 22/5. Video: 92 News.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Pakistan cho biết đã triển khai ba xe cứu thương và 25 nhân viên thuộc lực lượng ứng phó khẩn cấp tới hiện trường để hỗ trợ cứu hộ và tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Seemi Jamali, phát ngôn viên bệnh viện Jinnah, cho biết ít nhất 16 thi thể và 6 người bị thương đã được chuyển tới bệnh viện. Hiện không rõ đó là hành khách trên máy bay hay người dân tại nơi xảy ra vụ tai nạn. Con số thương vong chính thức vẫn chưa được báo cáo.
Nhân viên cứu hộ đưa một người bị thương ra khỏi hiện trường vụ tai nạn máy bay ở thành phố Karachi, tỉnh Sindh, Pakistan, hôm 22/5. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết ông vô cùng "sốc và đau buồn" trước sự việc và sẽ sớm điều tra về vụ tai nạn.
Sự cố xảy ra một vài ngày sau khi Pakistan cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng vì Covid-19. Người dân Pakistan trên khắp đất nước cũng đang chuẩn bị ăn mừng kết thúc tháng Ramadan và đón lễ Eid al-Fitr, ngày lễ quan trọng của người Hồi giáo.
Năm 2010, Pakistan chứng kiến thảm họa máy bay rơi chết chóc nhất khi chiếc Airbus A321, thuộc hãng hàng không tư nhân Airblue, gặp nạn, khiến toàn bộ 152 người thiệt mạng. Năm 2016, máy bay của PIA cũng bốc cháy do sự cố động cơ, khiến hơn 40 người thiệt mạng.
Ngọc Ánh (Theo Daily Mail)
Nguồn: vnexpress.net