\\
Tên lửa đạn đạo chiến lược DF-41 sẽ xuất hiện trong lễ duyệt binh năm nay của TQ.
Theo SCMP, lễ duyệt binh của Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào ngày 1.10 tới sẽ là buổi lễ duyệt binh lớn nhất sau 14 lần trong quá khứ.
Theo các chuyên gia quân sự, cuộc tập trận nhấn mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là năng lực răn đe hạt nhân dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lễ duyệt binh sẽ có 48 đội hình, trong đó 35 là “đội hình vũ khí”. Số còn lại là lục quân Trung Quốc đến từ 5 chiến khu, nguồn tin giấu tên cho biết.
Tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17.
Đây là lần đầu tiên phi đội tiêm kích tàng hình J-20 tham gia duyệt binh, kết hợp với cả các chiến đấu cơ hiện tại của Trung Quốc như J-20 và J-11B.
Nội dung lễ duyệt binh phản ánh chiến lược cắt giảm binh sĩ quân đội, hướng đến đội quân có quân số ít hơn nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu luôn ở mức cao.
Dấu ấn của ông Tập cũng thể hiện ở Lực lượng Tên lửa Chiến lược. Lực lượng này hiện đang sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân. Đây là tên lửa chiến lược tối tân nhất của Trung Quốc hiện nay.
Số lượng vũ khí chiến lược, tầm xa của Trung Quốc trong lễ duyệt binh vượt trội hoàn toàn so với các đội hình khác.
Các tên lửa khác đáng chú ý như tên lửa chống hạm DF-21D, tên lửa siêu thanh DF-17 và tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-2.
Adam Ni, nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie, Úc, nói Trung Quốc sẽ phô diễn cả tên lửa phóng từ đất liền và tên lửa phóng từ tàu ngầm, cho thấy năng lực răn đe hạt nhân giống như Mỹ.
Ni nói tên lửa DF-41 của Trung Quốc rất đáng gờm vì có tầm bắn bao phủ toàn bộ nước Mỹ. “Đó là vũ khí mang tính biểu tượng của Trung Quốc, giống như vũ khí hạt nhân của Nga hay Mỹ”.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-2 có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 7.000km nhưng vẫn có thể tấn công nước Mỹ nếu tàu ngầm Trung Quốc đạt cự ly cần thiết. Trung Quốc hiện đang phát triển tên lửa JL-3 với tầm bắn 9.000km, nhưng vẫn ngắn hơn mẫu tên lửa Trident II của Mỹ (12.000km).
Lễ duyệt binh cũng khẳng định chiến lược mà lãnh đạo Trung Quốc đề ra trong Sách trắng Quốc phòng hồi tháng 7. Đó là “duy trì an ninh chiến lược quốc gia bằng cách răn đe các quốc gia khác có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Trung Quốc”.
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói lễ duyệt binh năm nay là cơ hội để Trung Quốc “phô trương sức mạnh” trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
“Trung Quốc sẽ phô diễn các vũ khí chiến lược tầm xa, chứ không phải vũ khí chiến thuật trong lễ duyệt binh lần này”, Zhou nói.
Nguyễn Đăng (Theo SCMP)
Nguồn: danviet.vn