"Huawei là một phần của Chính phủ Trung Quốc, một công cụ mở rộng việc giám sát và 5G là xương sống cho mạng lưới theo dõi đó. Bạn chỉ cần bật micro hay máy ảnh trên thiết bị và thế là bạn đã gặp Anh Cả của nhà văn George Orwell", ông Krach cảnh báo trong cuộc họp báo qua điện thoại tối 25-6 (giờ VN).
Thứ trưởng Mỹ cho biết danh sách các nước quay lưng với thiết bị viễn thông của Huawei nói chung và mạng 5G nói riêng đang ngày càng dài. Ông kêu gọi các nước đoàn kết để nói không với thiết bị viễn thông Trung Quốc và gia nhập Sáng kiến con đường 5G sạch do Mỹ đề xướng.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ các nước mua thiết bị 5G từ phương Tây - Ảnh: REUTERS
Theo ông Krach, hiện nay chỉ có 3 nhà cung cấp thiết bị viễn thông các nước có thể tin tưởng cho phép xây dựng mạng 5G là Nokia, Ericsson của châu Âu và Samsung ở châu Á.
Hồi đầu năm nay, Huawei tuyên bố đã ký được 91 hợp đồng 5G trên toàn thế giới. Nhưng theo ông Krach, con số thực vào thời điểm hiện tại đã thấp hơn nhiều khi "người dân các nước đã thức tỉnh trước nguy cơ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc theo dõi".
"Các thỏa thuận 5G của Huawei đã bốc hơi theo tỉ lệ thuận với các hành động đe dọa trả đũa từ Bắc Kinh, khi một quốc gia nào đó có các bước đi bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp nước họ", thứ trưởng ngoại giao Mỹ lập luận.
Việc Bắc Kinh đe dọa sẽ "trừng phạt" các nước dám nghỉ chơi với Huawei, chẳng hạn như Anh, theo ông Krach, là dấu hiệu cho thấy một Trung Quốc đang cảm thấy "tuyệt vọng và sợ hãi".
"Bắc Kinh hẳn đang cảm thấy giấc mơ thống trị 5G toàn cầu đang vuột ra khỏi tầm tay của mình", thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhận định.
Huawei luôn phủ nhận đang làm việc cho chính quyền Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Mỹ cam kết sát cánh cùng các nước
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ các nước mua thiết bị viễn thông không phải do Huawei hay các công ty Trung Quốc sản xuất. "Có nhiều công cụ tài chính cho việc này và tôi nghĩ Mỹ sẵn sàng giúp đỡ, bởi vì chúng tôi nhận ra được mối nguy hiểm từ việc có các thiết bị của Huawei trong hệ thống viễn thông".
Ông Krach kể ra một vài cái tên đã quay lưng với Huawei như Cộng hòa Czech, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển ở châu Âu hay Nhật Bản, Đài Loan và Úc.
Mới đây nhất, Singapore đã quyết định chọn Nokia của Phần Lan và Ericsson (Thụy Điển) để xây dựng hệ thống 5G.
Việc Huawei để mất hợp đồng tại Singapore được xem là một thiệt hại lớn. Đảo quốc sư tử là quốc gia năng động nhất Đông Nam Á và đang chủ trương phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Trung Quốc đã tích cực quảng bá mạng 5G của Huawei tại Đông Nam Á thông qua "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" và tuyên truyền về "cộng đồng chung vận mệnh", cùng chia sẻ lợi ích trong tương lai.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng Mỹ, mọi nỗ lực đánh bóng hình ảnh của Bắc Kinh đã thất bại. Ông Krach lập luận các động thái đối với Hong Kong đã khiến các nước mất niềm tin vào Bắc Kinh và đặt câu hỏi ngay cả một chuyện quan trọng như vậy Trung Quốc còn dám thất hứa thì trong các giao dịch khác sẽ còn thế nào nữa?
"Có một điều chúng ta cần biết về những kẻ hay đi bắt nạt người khác. Chúng chỉ lùi bước khi bạn có bạn bè đứng bên cạnh và Mỹ sẽ luôn tự hào để làm điều đó. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các nước đồng minh và đối tác để chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc cũng như chiến lược 5G của Đảng Cộng sản Trung Quốc", thứ trưởng ngoại giao Mỹ cam kết.
Cách đây 70 năm, tiểu thuyết gia người Anh George Orwell đã cho ra đời tác phẩm viễn tưởng lấy bối cảnh năm 1984 tại một đất nước do một nhân vật được gọi là "Anh Cả" (Big Brother) đứng đầu.
Nắm tất cả quyền lực trong tay nhưng "Anh Cả" vẫn không yên tâm. Ông dùng kính viễn vọng để quan sát nhất cử nhất động của người dân, ở mọi nơi và mọi thời điểm, ngoại trừ nhà tù. Dòng chữ "Anh Cả đang theo dõi các người" được phát liên tục trên màn hình tivi như một lời cảnh cáo tới những người có ý đồ chống lại ông.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online