Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, ngày 4-3 - Ảnh: AFP
Theo Hãng thống tấn AP, mũi tiêm của ông Hun Sen do Ấn Độ tài trợ, là 1 trong 324.000 liều vắc xin AstraZeneca thuộc sáng kiến COVAX được đưa đến Campuchia hôm 2-3.
Thủ tướng Hun Sen tiêm vắc xin trong bối cảnh Campuchia đang nỗ lực dập tắt một đợt bùng phát dịch COVID-19 tại cộng đồng người Hoa ở Sihanoukville hồi tháng 2. Sihanoukville là thành phố cảng có nhiều dự án đầu tư khổng lồ của Trung Quốc.
Campuchia ghi nhận 31 ca bệnh mới vào ngày 4-3, nâng tổng số ca bệnh cả nước lên 909 ca, và không có ca tử vong nào.
Trước đó, Campuchia đã nhận lô hàng vắc xin Sinopharm đầu tiên với 600.000 liều do Trung Quốc sản xuất vào ngày 7-2. Campuchia bắt đầu tiêm chủng đại trà vào ngày 10-2. Người đầu tiên tiêm vắc xin Sinopharm là con trai của ông Hun Sen, tiếp đến là các bộ trưởng và quan chức chính phủ.
Trước đó 2 ngày, ông Hun Sen đổi ý, quyết định không tiêm vắc xin COVID-19 của Sinopharmc. Theo Hãng tin AP, nguyên nhân là vì lý do tuổi tác.
Ông Hun Sen đã 68 tuổi trong khi vắc xin Sinopharm của Trung Quốc được cấp phép cho người từ 18 tới 59 tuổi, vì đây là nhóm dân số được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi chưa có dữ liệu về hiệu quả của vắc xin Sinopharm đối với các nhóm tuổi khác, các quốc gia nhận vắc xin tự quyết định có sử dụng cho người lớn tuổi hơn hay không.
Đầu tháng này, ông Hun Sen cho biết Campuchia đang muốn dự trữ 20 triệu liều vắc xin để tiêm cho 10 triệu người, tương đương 2/3 dân số. Campuchia dự kiến nhận được 7 triệu liều vắc xin thông qua sáng kiến COVAX.
Cũng theo AP, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia và là đối tác chính trị thân cận của ông Hun Sen. Ở chiều ngược lại, Phnom Penh ủng hộ các lập trường địa chính trị của Bắc Kinh trên diễn đàn quốc tế về các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
COVAX là một sáng kiến nhằm bảo đảm các quốc gia tiếp cận công bằng vắc xin, ngăn nước giàu thu gom hết vắc xin. Sáng kiến này do Liên minh toàn cầu về vắc xin (Gavi), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng dẫn dắt. Mục tiêu của COVAX là cung cấp 2 tỉ liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2021 cho những người cần được tiêm vắc xin nhất trên toàn thế giới.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online