Mới đây, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung Quốc Li Deshui đã tiết lộ một số chi tiết đáng chú ý về xung đột giữa hai nước Mỹ-Trung trên bàn đàm phán hồi tháng 5 vừa qua, khiến căng thẳng thương mại thêm leo thang, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.
Cụ thể, trong một bài viết được truyền thông nhà nước đăng tải, nhà hoạch định chính sách kỳ cựu này khẳng định chính "những yêu sách không thể chấp nhận được" của Mỹ đối với Trung Quốc đã buộc Bắc Kinh phải từ chối và khiến cuộc đàm phán đổ vỡ.
Theo đó, "yêu sách không thể chấp nhận được" thứ nhất của Mỹ, đó là Trung Quốc phải sửa đổi luật pháp trong nước, đồng thời Washington cũng đề nghị Bắc Kinh thành lập một văn phòng song phương thường trực để hai bên cùng thảo luận về các chính sách kinh tế của Bắc Kinh, ông Li cho hay.
Còn "yêu sách" thứ hai, đó là Washington đã đề xuất thiết lập một cơ chế đơn phương, cho phép họ được áp đặt các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh nếu như họ "không hài lòng" về những chính sách kinh tế của đối phương, và Trung Quốc sẽ không thể trả đũa khi cơ chế này được áp dụng, theo ông Li.
Tiếp đến, "yêu sách" thứ ba của Mỹ là kiềm chế ngành công nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường và lĩnh vực tài chính của mình "vô điều kiện" - SCMP trích dẫn bài viết của ông Li.
Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung Quốc Li Deshui. Ảnh: CNS
"Trung Quốc không thể chấp nhận"
Đây là lần đầu tiên một cựu quan chức kỳ cựu - nhân vật cấp cao của Bắc Kinh lên tiếng tiết lộ về những yêu cầu mà phía Mỹ đã đưa ra trong vòng đàm phán thương mại thất bại hồi tháng 5 vừa qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Mỹ đã đồng loạt cáo buộc Trung Quốc bất ngờ từ chối những đề xuất của Mỹ, khiến cuộc đàm phán tháng 5 đổ vỡ.
Đối với ông Li, một quan chức và nhà hoạch định kinh tế kỳ cựu của Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ "không đời nào" đồng ý với bất kỳ "yêu sách" nào của Mỹ, vì điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc "từ bỏ chủ quyền kinh tế".
"Đó là những yêu sách vô cùng không công bằng, cho thấy [Mỹ] đang muốn chiếm lĩnh nền kinh tế của Trung Quốc. Nếu [chúng ta - Trung Quốc] đồng ý với những điều đó, thì tức là [chúng ta] đã từ bỏ con đường phát triển và quyền phát triển của chúng ta, đồng thời tự biến Trung Quốc thành một nước chư hầu của Mỹ", ông Li viết trong một bài báo tổng kết các thành tựu, vấn đề và thách thức của nền kinh tế Trung Quốc trong vòng 7 thập kỷ từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.
"Sắp đến năm 2020 rồi, vậy mà Mỹ vẫn muốn bắt nạt Trung Quốc. Mỹ muốn giành được những điều mà họ không thể đạt được trong một cuộc cạnh tranh [với Trung Quốc] chỉ bằng một tờ giấy... thật là vớ vẩn! Chính phủ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý với điều đó", ông Li viết.
Bên cạnh đó, ông Li cũng cho rằng cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng chỉ là một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ: "Tựu chung lại, thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm kiềm chế Trung Quốc".
Theo SCMP, quan điểm của ông Li là đại diện cho luồng ý kiến thủ cựu nhưng lại có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc, rằng các yêu cầu thương mại và đòn giáng thuế quan của Washington là một phần trong chiến lược khiến Trung Quốc "tổn thương" và thậm chí là "lụn bại" của Mỹ.
Jin Canrong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, tiết lộ rằng vào thời điểm đó, Bắc Kinh vốn đã đồng ý với 80% số yêu cầu của Mỹ, tuy nhiên 20% còn lại liên quan tới "chủ quyền" đã khiến họ đổi ý.
Hôm thứ 5 tuần trước (19/9), các quan chức thương mại của Bắc Kinh và Washington đã nối lại đàm phán song phương, tuy nhiên giới quan sát đánh giá rằng lần tái đàm phán này có triển vọng không mấy tích cực, dù trước đó hai bên đã có một số động thái xuống nước, cụ thể là việc Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn đậu tương và thịt lợn của Mỹ, đổi lại, Tổng thống Trump cũng đồng ý nới thuế quan với 400 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 20/9 vừa qua, cuộc thương chiến đã có một cú ngoặt bất ngờ khi Bắc Kinh tuyên bố hủy kèo mua nông sản Mỹ sau khi Tổng thống Trump nới lỏng thuế quan cho một số mặt hàng Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với SCMP hôm thứ 5 tuần trước, ông Michael Pillsbury, một trong những cố vấn thương mại của Tổng thống Trump đã một lần nữa cáo buộc Trung Quốc khiến đàm phán đổ vỡ vào tháng 5 vừa qua và đe dọa rằng Mỹ sẵn sàng tăng cường sức ép nếu hai bên không thể sớm đạt được thỏa thuận.
"Cứ hễ chúng tôi tiến gần đến thỏa thuận thì bằng một cách kỳ bí nào đó, Trung Quốc lại rút lời hứa", ông Pillsbury nói. "Điều kỳ bí đó là những quan chức thuộc phe cứng rắn ở Bắc Kinh dường như không biết tới bản thỏa thuận dày 150 trang... cho đến tháng 4 năm nay, trước khi cuộc đàm phán diễn ra. Sau đó, họ đã đột ngột rút lại lời hứa".
Thep VnExpress