Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ sập cầu Francis Scott Key ở cảng Baltimore (Mỹ) có thể phá vỡ kỷ lục thế giới về số tiền bảo hiểm cho một tai nạn.

1 Tien Bao Hiem Vu Sap Cau O Baltimore Tai My Co The Pha Ky Luc The Gioi

Hiện trường vụ sập cầu ở cảng Baltimore - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, giới phân tích và các đơn vị cung cấp bảo hiểm đang đánh giá số tiền những doanh nghiệp này sẽ phải chi trả trong vụ sập cầu Francis Scott Key ở cảng Baltimore (bang Maryland, Mỹ) rạng sáng 26-3.

Cây cầu này là đường giao thông huyết mạch giúp vận hành cảng trên. Do đó, việc sập cầu buộc cảng Baltimore, một trong những hải cảng nhộn nhịp nhất bờ đông nước Mỹ, ngừng hoạt động vô thời hạn.

Với việc chưa rõ khi nào cảng Baltimore hoạt động trở lại, các lĩnh vực có thể nhận tiền từ vụ tai nạn này bao gồm bảo hiểm vật chất, hàng hóa, hàng hải, tín dụng thương mại và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh do yếu tố bên ngoài.

"Phụ thuộc vào việc cảng Baltimore đóng cửa đến bao lâu và tính chất các khoản bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho cảng Baltimore, số tiền bảo hiểm có thể dao động trong khoảng từ 2 tỉ đến 4 tỉ USD", ông Marcos Alvarez, giám đốc quản lý xếp hạng bảo hiểm toàn cầu tại cơ quan xếp hạng tín dụng Morningstar DBRS, cho biết.

Nếu đạt 4 tỉ USD, tiền bảo hiểm cho tai nạn này sẽ phá vỡ kỷ lục khoản tiền bồi thường bảo hiểm cho một vụ việc lớn nhất lịch sử, vốn đang được giữ bởi tai nạn du thuyền hạng sang Costa Concordia hồi năm 2012, ông Alvarez nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giám đốc cấp cao kiêm nhà phân tích tại Trung tâm xếp hạng bảo hiểm AM Best Mathilde Jakobsen cũng khẳng định số tiền doanh nghiệp có thể yêu cầu được chi trả nằm trong khoảng "hàng tỉ USD".

Ông Brandan Holmes, nhà phân tích tại Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody's, cho biết có khoảng 80 đơn vị bảo hiểm sẽ chia nhau chi trả các khoản tiền này.

Ông nhận định: "Dù tổng số tiền bảo hiểm trong vụ này dự đoán sẽ rất cao, khó có một đơn vị bảo hiểm cụ thể nào phải chi trả quá nhiều. Đó là do số tiền này sẽ được chia cho nhiều đơn vị thanh toán".

Tuy nhiên, ông Alvarez vẫn dự đoán thảm họa trên có thể sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất bảo hiểm hàng hải toàn cầu.

Công ty phân tích kinh tế IPLAN cho biết chi phí sơ bộ cho việc xây dựng lại cây cầu gãy sẽ vào khoảng 600 triệu USD và chính phủ liên bang sẽ chịu khoản này. Trong khi đó, việc đóng cửa cảng Baltimore có thể làm thâm hụt ít nhất 28 triệu USD cho bang Maryland.

Bà Julien Horn, chuyên gia tại Tập đoàn môi giới bảo hiểm McGill and Partners, tuyên bố: "Việc gián đoạn kinh tế và cơn đau mà các cá nhân, doanh nghiệp ở Maryland và vùng kinh tế Baltimore phải hứng chịu sẽ lan rộng. Chúng cần nhiều năm để thấy được hết hậu quả và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng".

NGỌC ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC