Các quan chức Israel tin rằng Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sắp phát lệnh bắt thủ tướng và các lãnh đạo khác của Israel, cũng như các lãnh đạo Hamas, trong vài ngày tới.

1 Toa An Quoc Te Sap Phat Lenh Bat Ca Lanh Dao Israel Lan Hamas

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant có thể bị tòa án quốc tế phát lệnh bắt - Ảnh: AFP

Ngày 28-4, các nguồn tin quan chức Israel và nước ngoài tiết lộ chính quyền Tel Aviv đang chuẩn bị đối phó với lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đối với các quan chức cấp cao của nước này với các cáo buộc liên quan đến xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas.

Ngoài ra, tòa án đang cân nhắc lệnh bắt giữ các thủ lĩnh của Hamas.

Tờ New York Times dẫn lời 2 quan chức cho biết các quan chức Israel có thể bị buộc tội ngăn chặn việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza và phản ứng quá tàn bạo đối với các cuộc tấn công của Hamas ngày 7-10-2023.

Theo đó, những quan chức Israel bị ICC phát lệnh bắt có thể bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong khi chưa rõ tòa sẽ buộc tội lãnh đạo nào của Hamas với tội danh gì.

Truyền thông Israel đưa tin chính quyền nước này và Mỹ đang tìm cách ngăn ICC hành động với lo ngại điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng vị thế quốc tế của Israel.

Tờ Haaretz viết rằng Chính phủ Israel chuẩn bị cho khả năng công tố viên của ICC, Karim Khan, trong tuần này có thể ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và tham mưu trưởng Herzi Halevi của Lực lượng phòng vệ Israel.

Dù ICC có thật sự phát lệnh bắt giữ, động thái này chỉ là một sự khiển trách về mặt đạo đức khiêm tốn, đặc biệt là đối với Israel.

Nhiều tháng qua, Tel Aviv đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của quốc tế, bao gồm đồng minh Mỹ, về cuộc chiến ở Gaza.

Tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách của Israel tại Gaza. Một trong những quan chức Israel cho biết khả năng tòa án ban hành lệnh bắt giữ đã ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của Israel trong những tuần gần đây.

Hiện chưa rõ quá trình của ICC đang ở giai đoạn nào. Mọi lệnh bắt đều cần có sự chấp thuận của hội đồng thẩm phán và cũng không nhất thiết dẫn đến một phiên tòa. Lệnh bắt có thể yêu cầu bắt giữ ngay lập tức các mục tiêu.

Công tố viên Karim Khan trước đó đã xác nhận rằng nhóm của ông đang điều tra các sự cố trong chiến tranh, nhưng văn phòng của ông từ chối bình luận về thông tin trên, nói rằng họ không "phản hồi lại những suy đoán trên các phương tiện truyền thông".

Tuần trước ông Netanyahu cảnh báo trên mạng xã hội rằng bất kỳ sự can thiệp nào của ICC "sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đe dọa binh lính và quan chức của tất cả các nền dân chủ đang chống lại chủ nghĩa khủng bố man rợ và sự gây hấn bừa bãi".

Có trụ sở tại The Hague, ICC là tòa án quốc tế thường trực duy nhất trên thế giới có quyền truy tố các cá nhân bị cáo buộc tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người.

Tòa án không có lực lượng cảnh sát riêng. Thay vào đó, tòa dựa vào 124 thành viên, bao gồm hầu hết các nước châu Âu, ngoại trừ Israel hay Mỹ, để bắt giữ những người có tên trong lệnh bắt giữ. Tòa cũng không thể xét xử vắng mặt bị cáo.

Tuy nhiên, lệnh bắt của ICC có thể gây trở ngại cho việc đi lại của các quan chức bị truy nã. Trước đó, ICC đã phát lệnh bắt ông Omar al-Bashir, tổng thống bị phế truất của Sudan, và Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC