Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch gặp gỡ trực tuyến với lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, mạng tin Axios ngày 5/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết.

42 1 Tong Thong Biden Gap Lanh Dao Nhom Bo Tu De Ban Ve Xoay Truc

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Houston, Texas, ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Với việc lên lịch trình cho cuộc gặp thượng đỉnh của Nhóm bộ tứ, Nhà Trắng phát đi tín hiệu về tầm quan trọng của quan hệ đồng minh, đối tác trong đối phó với ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Biden đã đàm thoại riêng với lãnh đạo ba nước, nhưng cuộc gặp bốn bên lần này sẽ tạo ra luồng sinh khí mới đối với Nhóm bộ tứ đang thành hình, mà nhiều người cho rằng có khả năng phát triển thành một phiên bản NATO tại châu Á. 

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có cuộc gặp với đồng cấp ba nước còn lại trong Nhóm bộ tứ. Tại đó, các bên dường như phát đi lời chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, thông qua cam kết kịch liệt phản đối các hành động đơn phương, vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

“Bộ tứ Kim cương” (nhóm Quad) ra đời năm 2007 với 4 thành viên là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nhưng khái niệm này sau đó gần như không được nhắc tới do Australia, Ấn Độ e tỏ ra thận trọng trước phản ứng từ Trung Quốc.

Tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton lần lượt tuyên bố chiến lược “xoay trục sang châu Á”-Thái Bình Dương, với mục tiêu thiết lập các quan hệ đồng minh mới ở Thái Bình Dương sau nhiều nằm dồn ưu tiên cho châu Âu, nhằm đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ. 

Lên nắm quyền Nhà Trắng năm 2017, ông Donald Trump từ bỏ Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng theo đuổi ý tưởng về Nhóm bộ tứ, trong bối cảnh cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều thoải mái, cởi mở hơn trong hợp tác tạo dựng, thiết lập các cấu trúc an ninh, ngày một quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Ông Biden giờ đây tiếp tục viết tiếp câu chuyện hợp tác. Sau cuộc điện đàm giữa tân Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hồi tháng 2 vừa qua, Nhà Trắng cho biết lãnh đạo bốn nước sẽ hợp tác, thúc đẩy “một cấu trúc an ninh khu vực mạnh mẽ hơn thông qua Nhóm bộ tứ”. 

Nguồn: Hoài Thanh/Báo Tin tức (Axios)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC