Đề xuất trên là tín hiệu mới nhất từ chính quyền Washington cho thấy họ đặt sự cạnh tranh với Trung Quốc như một sự ưu tiên khẩn cấp.
“Đề xuất này ưu tiên sự cần thiết phải đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, như một thách thức hàng đầu của Bộ Quốc phòng” – đề xuất ngân sách sắp tới được Nhà Trắng công bố có đoạn.
Tổng thống Biden hiện vẫn chưa công bố danh sách đầy đủ, chi tiết những đề xuất chi tiêu của mình trong ngân sách, nhưng bản tổng kết dài 58 trang có bao gồm chi tiền vào vào các khoản đầu tư “có trách nhiệm và khả thi” vào hạm đội Hải quân Mỹ, vào “các chương trình hiện đại hóa hạt nhân đang diễn ra” và vào “nâng cấp khả năng tấn công tầm xa”.
Nó cũng liệt kê danh mục đầu tư vào “phát triển và thử nghiệm khả năng tấn công siêu thanh”, cùng với các khoản đầu tư vào “các công nghệ đột phá để tạo động lực sáng tạo cho sự phát triển những khả năng quốc phòng thế hệ tiếp theo”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ưu tiên đối phó với thách thức hàng đầu từ Trung Quốc (Ảnh: AP)
Mặc dù có ít chi tiết trong đề xuất của Tổng thống Biden, nhưng các nhà lập pháp Mỹ đã nhanh chóng đưa ra bình luận, trong đó có cả lời chỉ trích lẫn ngợi khen từ lưỡng đảng. Đề xuất này cuối cùng sẽ được chuyển tới Quốc hội để quyết định xem Lầu Năm Góc và phần còn lại của chính phủ liên bang sẽ nhận được nguồn ngân sách như thế nào.
Nghị sĩ Ro Khanna, thuộc đảng Dân chủ và là thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã gọi đề xuất tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc của ông Biden là “đáng thất vọng”.
“Chúng ta nên trở lại mức độ (ngân sách) như thời của Obama” – Khanna viết trên Twitter – “Đừng đổ thêm tiền vào các dự án quốc phòng đắt đỏ và lãng phí”.
Nghị sĩ Mike Turner, thành viên đảng Cộng hòa ở cùng ủy ban, nói trong một tuyên bố rằng: “Mức tăng 3 – 5% chi tiếu quốc phòng là cần thiết để giữ cho nước Mỹ và các đồng minh của chúng ta được an toàn. Tuy nhiên, khoản tăng ngân sách “mỏng manh” mà Tổng thống Biden không đủ để đáp ứng, và có thể phải cắt giảm các chương trình quan trọng”.
Ông Turner nói, mặc dù ông cảm thấy vui mừng “trước việc chính quyền Biden dự định ủng hộ hiện đại hóa hạt nhân, giữa lúc mối đe dọa tăng dần từ Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và Nga, nhưng mọi hành động cắt giảm chi tiêu quốc phòng đều sẽ gây quan ngại”.
Đề xuất ngân sách chỉ là một ví dụ mới nhất cho thấy chính quyền mới của Mỹ đã tập trung hơn bao giờ hết vào thách thức đến từ Trung Quốc, và lấy đó để kêu gọi thêm nguồn đầu tư liên bang và đưa ra nhiều đạo luật mới.
Tổng thống Biden đã chỉ ra Trung Quốc như một nhân tố chính đằng sau kế hoạch cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỉ của ông, được công bố hồi tuần trước.
“Các bạn nghĩ Trung Quốc sẽ quanh quẩn chờ đợi nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, vào nghiên cứu và phát triển sao?” – ông Biden nói – “Tôi thề với các bạn là họ không chờ đợi. Nhưng họ dựa vào việc nước Mỹ sẽ phản ứng quá chậm, quá hạn chế và qua chia rẽ”.
Trong hôm 8/4, các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã đưa ra một dự luật dài 281 trang, trong đó sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức Trung Quốc, xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan và tăng cường theo dõi các hoạt động quân sự, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh…
Eric Sayers – cựu cố vấn của Đô đốc Harry Harris, từng là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ - nói rằng chi tiết trong đề xuất ngân sách của ông Biden được công bố đến thời điểm hiện tại là rất hứa hẹn.
“Đề xuất ngân sách này đặt ra các ưu tiên chiến lược nhằm thẳng vào Trung Quốc, đóng tàu, tấn công tầm xa và hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân” – ông Sayers, chuyên gia phân tích thuộc Viện Doanh nghiệp nghiên cứu Chính sách công (AEI), nói – “Nhưng chúng ta cần chờ đợi xem đề xuất chi tiết như thế nào để đánh giá mức độ ưu tiên ở những lĩnh vực này”.
Huyền Chi
Nguồn: viettimes.vn