Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Ngày 22-5, tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao và 2 cựu quan chức khác cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang thảo luận về khả năng thử hạt nhân lần đầu tiên sau 28 năm, kể từ năm 1992.
Động thái này được xem như một lời cảnh báo tiềm năng đối với Nga và Trung Quốc và là sự thay đổi đáng kể chính sách quốc phòng của Mỹ.
Một nhà phân tích nói với tờ Washington Post rằng việc Mỹ thử hạt nhân sẽ được coi là "phát súng khởi đầu cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chưa từng có".
Thông tin này được đưa ra sau khi một số quan chức Mỹ thông báo Nga và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm nhỏ. Moscow và Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này, và Mỹ cũng không đưa ra bằng chứng.
Một quan chức chính quyền cấp cao nói rằng việc chứng minh khả năng "thử nghiệm nhanh" của Washington sẽ là chiến thuật đàm phán hữu ích khi Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc về vũ khí hạt nhân.
Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nói với tờ Washington Post rằng động thái của chính quyền ông Trump có khả năng sẽ "phá vỡ" các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Beatrice Fihn từ Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) (nhóm giành giải Nobel hòa bình 2017) cảnh báo vụ thử hạt nhân của ông Trump có thể "đẩy chúng ta tới cuộc Chiến tranh lạnh mới".
"Nó cũng thổi bay mọi cơ hội tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới nguy hiểm. Nó sẽ xói mòn khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu", bà Beatrice nói trong một tuyên bố.
Chính quyền ông Trump đã nhiều lần tác động đến chính sách quốc phòng Mỹ.
Báo cáo của Washington Post được đưa ra một ngày sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với Nga, vốn lập ra để cải thiện tính minh bạch của quân đội giữa các nước siêu cường.
Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí thứ 3 mà ông Trump bãi bỏ kể từ khi nhậm chức. Các quốc gia châu Âu kêu gọi ông Trump xem xét lại.
Đây không phải lần đầu tiên chính sách quốc phòng của ông Trump gây lo ngại gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân, theo AFP.
Hồi tháng 2, Lầu Năm Góc tuyên bố triển khai tàu ngầm mang tên lửa tầm xa mới có đầu đạn hạt nhân tương đối nhỏ, nhằm đáp trả các cuộc thử nghiệm vũ khí tương tự của Nga.
Các nhà phê bình lo ngại rằng đầu đạn hạt nhân nhỏ có nhiều khả năng được sử dụng vì chúng gây ra ít thiệt hại hơn, làm giảm ngưỡng xung đột hạt nhân.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online