Bộ Quốc phòng Pháp cho biết vụ hỏa hoạn kéo dài 14 giờ trên tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Perle, khi nó đang ở ụ tàu để sửa chữa vào tháng 6/2020, khiến phần phía trước bị hư hại nặng.
Tàu bị hư hỏng kết cấu với các bộ phận bằng thép và không thể phục hồi. Nhưng nửa sau chiếc tàu ngầm dài 73 m lại không bị ảnh hưởng gì trong vụ hỏa hoạn, CNN cho biết.
May mắn cho Hải quân Pháp là có một chiếc tàu ngầm cùng lớp Saphir được ngưng hoạt động năm 2019, đang chờ tháo dỡ tại một nhà máy đóng tàu ở cảng Cherbourg, tây bắc nước Pháp. Phần phía trước của tàu ngầm Saphir vẫn rất tốt. Các quan chức Pháp đã quyết định lấy phần đầu của tàu Saphir, kết hợp với phần sau của Perle để tạo thành một tàu ngầm mới.
Tàu ngầm Perle được chuyển từ thành phố Toulon đến Cherbourg trên một tàu chuyên dụng vào tháng 12/2020. Tại xưởng đóng tàu, các công nhân đã cắt đôi tàu Perle vào tháng 2 và làm điều tương tự với tàu Saphir trong tháng 3.
Đầu tháng 4, nửa sau của tàu Perle và nửa trước của tàu Saphir đã được đưa vào bộ phận cố định để kéo chúng lại, sau đó hàn kết nối hai nửa thân tàu lại với nhau.
Klara Nadaradjane, phát ngôn viên Naval Group, nhà thầu chính, cho biết việc kết nối hai phần thân tàu sẽ hoàn thành trong những tháng tới. Chiếc tàu ngầm mới vẫn được gọi là Perle. Nó sẽ dài hơn 1,4 m so với ban đầu, vì cần thêm bộ phận kết nối hai nửa thân tàu.
Phát ngôn viên Nadaradjane cho biết việc kết nối hai nửa thân tàu được mô phỏng bằng mô hình kỹ thuật số 3 chiều, trước khi đưa vào áp dụng thực tế. Tuy vậy, người phát ngôn Naval Group không tiết lộ khoản chi phí.
Perle được đưa vào hoạt động năm 1993, là tàu mới nhất trong số 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Rubis của Pháp. Tàu ngầm lớp Rubis dự kiến được thay thế bằng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Barracuda hiện đại hơn.
Tuy vậy, đến năm 2030, chiếc cuối cùng của tàu ngầm lớp Barracuda mới được giao cho Hải quân Pháp, buộc họ phải tìm phương án sửa chữa tàu ngầm Perle. Đây là lần đầu tiên ngành công nghiệp đóng tàu Pháp cắt đôi hai con tàu khác nhau để ghép lại thành một tàu hoàn chỉnh.
Trước đó, kỹ thuật này đã được Mỹ áp dụng để sửa chữa các tàu ngầm bị hư hỏng của họ.
Nguồn: Zingnews