Mỹ sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan vào 11/9. Ảnh: Reuters.
Sau thời gian tập trung xử lý những vấn đề mà chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump để lại, vài tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy chương trình đối ngoại của chính ông, đồng loạt trên nhiều mặt trận, theo CNN.
Những kết quả ban đầu, dù một phần đã được đoán trước, cho thấy thời kỳ "trăng mật" đã kết thúc với chính quyền mới. Nhà Trắng của Tổng thống Biden giờ đây đang đối mặt với một thực tại khắc nghiệt khi sức ép từ các đối thủ cũng như đồng minh đang dội ngược về Washington.
Trừng phạt Nga, và bị trả đũa
Trong thời gian tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Nga. Ông chủ Nhà Trắng sau đó đe dọa sẽ buộc Moscow trả giá vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuần qua, chính quyền Mỹ đã hiện thực hóa lời đe dọa khi trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga tại Washington, D.C. Và chưa đầy 24 giờ sau, Tổng thống Putin đáp trả bằng quyết định trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ khỏi Moscow. Động thái trả đũa qua lại này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Vấn đề của ông Biden là, trong khi ông còn đang tính toán sẽ buộc Nga "trả giá" như thế nào với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020, Điện Kremlin đã có sẵn phương án trả đũa cho từng kịch bản cụ thể.
Nga đang tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine và Biển Đen. Ảnh: AFP.
Đáng chú ý nhất trong các động thái đáp trả của Nga là việc Moscow tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới Ukraine. NATO cho biết lực lượng Nga đang tập trung gần biên giới Ukraine nhiều nhất kể từ năm 2014.
Tuần qua, Mỹ đã phải hủy kế hoạch điều tàu chiến tới Biển Đen sau khi Nga cảnh báo tàu chiến nước ngoài "không đến gần Crimea".
Tổng thống Biden hiểu đối đầu với người đồng cấp nước Nga là một bài toán khó. Hai ông Biden và Putin có một lịch sử không hề dễ chịu.
Năm 2011, ông Biden từng tuyên bố đã nhìn vào mắt nhà lãnh đạo nước Nga và không thấy "tâm hồn". Tháng trước, Tổng thống Biden lại cáo buộc ông Putin là "sát nhân".
Để đáp trả, Tổng thống Putin chúc nhà lãnh đạo nước Mỹ sức khỏe. Truyền thông Nga giải thích lời chúc này hàm ý mỉa mai đối phương "già nua".
Thách thức từ Trung Đông
Một mục tiêu khác của Tổng thống Biden, ban đầu tưởng chừng ít trắc trở hơn, là điều quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia. Đến nay, chính sách này của Tổng thống Biden cũng cho thấy dấu hiệu phản tác dụng.
Đầu tháng 2, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự của Saudi Arabia ở Yemen. Chỉ vài ngày sau đó, phiến quân Houthi nổi dậy đã đẩy mạnh tấn công nhắm vào chính phủ Yemen cùng lực lượng Saudi Arabia.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Yemen, tướng Sagheer Bin Aziz, cho biết ông rất thất vọng trước quyết định của Tổng thống Biden. Ông Bin Aziz đang ở cách tiền tuyến, nơi quân đội chính phủ Yemen giao tranh với Houthi, chỉ vài km.
"Tất cả chúng tôi đều nghĩ ông Biden sẽ đứng về phía hòa bình, an ninh và ổn định", tướng Bin Aziz nói.
Các quan chức Saudi Arabia và chính phủ Yemen đều cho rằng Tổng thống Biden đang phạm sai lầm lớn, chính sách của ông thay vì hỗ trợ các đồng minh giờ đang giúp chính kẻ thù của nước Mỹ là Iran.
Việc Nhà Trắng gỡ Houthi khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài đã khiến các đồng minh Trung Đông phải hoài nghi ý đồ thực sự của Mỹ, rằng Washington đang muốn giúp Yemen hay chỉ đang dọn đường cho đàm phán hạt nhân với Tehran.
Tại chiến trường Yemen, việc giảm áp lực lên lực lượng Houthi dường như là toan tính của ông Biden với hy vọng giảm thiệt hại về nhân đạo cũng như đẩy nhanh kết thúc cuộc chiến.
Nhưng Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa Yemen Moammar al-Eryani cho biết bước đi của Washington không giúp gì cho tiến trình hòa bình và chỉ có lợi cho Iran.
Iran không phản hồi các nhượng bộ của Mỹ. Ảnh: AFP.
Trong khi đó, chính quyền Biden muốn đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran có tên JCPOA, sau khi người tiền nhiệm Trump rút khỏi văn kiện này năm 2018, để buộc Tehran quay trở lại các cam kết về đình chỉ chương trình hạt nhân. Nhưng Iran muốn Mỹ trước hết phải dỡ bỏ cấm vận.
Ban đầu, ông Biden tràn đầy hy vọng. Nhà Trắng "chìa cành olive" về phía Tehran, thực hiện một số nhượng bộ, như dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với quan chức ngoại giao Iran ở New York. Nhưng Iran không phản hồi thiện chí từ chính quyền Mỹ.
Cuối cùng, Nhà Trắng buộc phải chấp nhận một thỏa thuận hòa giải do EU đề xuất và tham dự cuộc họp với quan chức Iran ở Vienna. Nhưng tiến triển nhỏ nhoi này cũng có nguy cơ một lần nữa rơi vào bế tắc, sau vụ cơ sở hạt nhân Natanz của Iran bị tấn công. Tehran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công này.
Sau vụ tấn công vào Natanz, Iran phản ứng bằng cách tăng mức độ làm giàu uranium lên 60%, tức cao gấp 20 lần so với cho phép của JCPOA. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuần qua đặt câu hỏi cho Iran về mức độ nghiêm túc đối với tiến trình đàm phán hạt nhân.
Tại Tehran, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei vẽ lằn ranh với Mỹ, yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước khi đòi hỏi tuân thủ các quy định của JCPOA.
Hoài nghi quanh quyết định rút khỏi Afghanistan
Tại Afghanistan, quyết định rút toàn bộ quân Mỹ vào ngày 11/9 cũng gặp phải phản ứng từ một số đồng minh.
Cuối tháng 3, trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Chúng ta đến cùng nhau, và chúng ta sẽ rời đi cùng nhau khi đúng thời điểm".
Tuần qua, khi ông Biden tuyên bố thời điểm rút quân, không phải mọi đồng minh của Mỹ đều vui vẻ.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, tướng Nick Carter, nói với BBC rằng việc rút toàn bộ lực lượng vào 11/9 "không phải quyết định" mà London mong đợi.
Trong khi đó, chính phủ Afghanistan đang "run rẩy" trước hệ lụy của quyết định rút quân. Một quan chức cấp cao cho biết chính quyền Kabul đang hối hận vì không sử dụng 20 năm trợ giúp quốc tế "khôn ngoan hơn", để tạo ra một chính phủ ít tham nhũng hơn, ít chia rẽ hơn và ít bè phái hơn.
Lực lượng chính phủ Afghanistan thực tế đang bị Taliban áp đảo trên chiến trường. Taliban thậm chí đe dọa sẽ tấn công quân đội Mỹ nếu không rút quân kịp thời hạn.
Trung Quốc, thách thức đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Biden, là một trong những mặt trận mà chính sách của Nhà Trắng chưa được kiểm chứng đầy đủ.
Đến nay, những gì diễn ra trong quan hệ với Bắc Kinh vẫn đang theo kế hoạch đã vạch sẵn. Các đồng minh gồm EU, Anh và Canada đã ủng hộ lập trường của Washington trong trừng phạt quan chức Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục các động thái cũ: tăng cường hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan cũng như trên Biển Đông, đồng thời siết chặt kiểm soát Hong Kong.
Đến nay, chưa diễn biến nào thực sự gây sốc cho Tổng thống Biden. Chính sách đối ngoại là sở trường của Tổng thống Biden trong 4 thập kỷ vừa qua ở Washington, D.C.
Thách thức thực sự với Nhà Trắng hiện là sức mạnh của Washington đang bị xói mòn, đồng thời phải đối phó với các đối thủ cho rằng đã qua rồi cái thời nước Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, CNN nhận định.
Từ nay trở đi, cuộc phiêu lưu đối ngoại của Tổng thống Biden sẽ không còn là những kế hoạch do ông vạch sẵn, thay vào đó, Washington sẽ phải đối phó với tác động mà các kế hoạch đã triển khai mang lại.
Duy Anh
Nguồn: zingnews.vn