Chuyện “nực cười”?
Trong một tuyên bố tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chính quyền của ông đang xem xét việc chấm dứt quyền có được quốc tịch Mỹ đối với trẻ em sinh ra tại Mỹ nhưng cha mẹ không phải là công dân Mỹ, hoặc cha mẹ là những người nhập cư vào nước này bất hợp pháp. “Quyền có quốc tịch theo nơi sinh nghĩa là quý vị sinh con trên đất của chúng tôi, quý vị vượt biên vào lãnh thổ chúng tôi, sinh con – chúc mừng, đứa trẻ ấy trở thành công dân Mỹ… Thật nực cười”, ông Trump nói.
Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Mỹ ghi rõ: “Bất cứ ai được sinh ra tại Mỹ sẽ tự động trở thành công dân Mỹ và được học các trường công cộng, vay tiền học đại học, được bầu cử…”. Tu chính án này được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1868 nhằm đảm bảo người Mỹ da đen có được đầy đủ quyền về quốc tịch, công nhận quốc tịch cho tất cả mọi người sinh ra trên đất Mỹ. Kể từ đó, Tu chính án này được diễn giải để cấp quốc tịch cho đa số những người sinh ra ở Mỹ, bất kể việc cha mẹ của họ có là công dân Mỹ, có cư trú hợp pháp ở Mỹ hay không.
Nếu được thi hành trên thực tế, quy định xóa bỏ quyền công dân mặc định đối với những đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Mỹ sẽ dập tắt hy vọng được cấp quốc tịch của hàng triệu người di cư tới Mỹ, đặc biệt là những người nước ngoài có ý định tới Mỹ sinh đẻ để con có được quốc tịch Mỹ. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Di cư New York, mỗi năm có khoảng 36.000 phụ nữ nước ngoài sinh con trên đất Mỹ. Truyền thông Mỹ cho biết, ngành “du lịch sinh con” thời gian qua đã trở thành một hoạt động kinh doanh nở rộ ở Mỹ, với nhiều đường dây được thiết lập để lợi dụng quy định cấp quyền công dân mặc định, đưa những phụ nữ có thai nhập cảnh Mỹ sinh con.
Đa số những người có ý định sinh con để con có quốc tịch Mỹ thường được hướng dẫn mua một tour du lịch trọn gói, đến Mỹ với tư cách khách du lịch trong vài tháng rồi sinh con. Ước tính, chi phí cho một gói “du lịch sinh con” tại Mỹ thường lên đến khoảng 50.000 USD. Số tiền này khi bỏ ra một cục thì lớn nhưng thực chất lại không hề đắt nếu tính đến việc đứa trẻ sau khi được sinh ra có quyền công dân Mỹ, được hưởng các chính sách phúc lợi của Mỹ đến năm 18 tuổi. Tiếp đó, khi đứa trẻ được 21 tuổi, chúng còn có thể bảo lãnh để cha mẹ sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Một ước tính cho hay, chi phí cho các khoản miễn phí học phí, chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ này ngốn của ngân sách Mỹ đến khoảng 2,4 tỉ USD mỗi năm.
Đặt trong tâm vận động tranh cử vào việc siết chặt các quy định nhập cư, ngay từ khi vận động tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã đề xuất chấm dứt việc công nhận quyền công dân mặc định cho những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ. Sau khi lên nắm quyền, ông đã thực hiện một số chính sách cứng rắn, hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trump đã khiến dư luận xôn xao khi thông báo ý định dùng sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quyền có quốc tịch mặc định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Không chỉ ông Trump, Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã lên tiếng cho rằng quy định cấp quyền công dân mặc định đã trở thành “một thỏi nam châm kéo mọi người khắp nơi đến nước Mỹ, kích thích các tổ chức buôn người dụ dỗ các gia đình mạo hiểm đến Mỹ, gây nguy hiểm cho chính họ”. Trung tâm nghiên cứu Pew trong một nghiên cứu được công bố năm 2015 cho biết, trong năm 2014, tổng cộng có tới 270.000 trẻ em sinh ra tại Mỹ là người nhập cư bất hợp pháp.
Khó hiện thực hóa
Song, cũng tương tự trước đây, ý định dùng sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quyền có quốc tịch mặc định của ông Trump ngay sau khi được công bố đã dấy lên những tranh cãi gay gắt. Trước đây, khi ông Trump công bố ý định dùng sắc lệnh hành pháp để chấm dứt quy định cấp quyền công dân mặc định cho trẻ sinh ở Mỹ, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ ý định của ông. Thượng nghị sĩ John Hoeven cho rằng Quốc hội Mỹ cần làm cái gì đó” với chuyện người Mỹ có quốc tịch tự nhiên, với chuyện những người cha mẹ cố sinh con ở Mỹ để có quốc tịch rồi tính chuyện về sau nhập cư thông qua việc con cái bảo lãnh sau này. Một số chuyên gia, tổ chức cũng tán thành với ông Trump.
Ngược lại, chính trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng có những nghị sĩ cho rằng không thể thay đổi một quy định được xem là nền tảng trong hệ thống chính sách nhập cư của Mỹ chỉ đơn giản bằng một chữ ký của tổng thống. “Không thể hủy bỏ quyền công dân của một người ngay từ khi sinh ra chỉ bằng một sắc lệnh hành pháp”, nghị sĩ Paul Ryan cho hay.
Sau phát biểu gần đây của ông Trump, các chuyên gia luật cho rằng việc này có thể trái với Hiến pháp Mỹ. “Tổng thống Trump không thể chấm dứt quyền công dân ngay lập tức bằng một sắc lệnh hành pháp. Đây là một điều khoản trong Hiến pháp”, Giáo sư luật Nan Hunter của Đại học Georgetown nhận định.
Hầu hết các nước trên thế giới hiện không cấp quyền công dân mặc nhiên cho trẻ sinh ra trên lãnh thổ như ở Mỹ nhưng vẫn có hơn 24 nước áp dụng chính sách này, trong đó có nước láng giềng của Mỹ là Canada. Song, nói như vậy không có nghĩa là ý định của ông Trump chưa có tiền lệ. Trước Mỹ, hàng loạt các nước Tây Âu khác cũng đã bãi bỏ các quy định tương tự, ví dụ như Anh vào năm 1983 đã bãi bỏ quy chế cấp quốc tịch tự động cho người sinh ra ở nước này.
Siết quy định với con của nhân viên chính phủ
Ngoài ra, trong hàng loạt những chính sách nhằm xác định lại tư cách công dân Mỹ đang được Chính phủ của ông Trump thực hiện, giữa tuần qua, Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) đã đưa ra thông báo thay đổi chính sách về tư cách công dân của những đứa trẻ có bố mẹ là công dân Mỹ, làm việc cho chính phủ hay phục vụ trong quân đội Mỹ đang làm việc tại nước ngoài. Theo quy định hiện hành, những trẻ là con của các nhân viên của Chính phủ hay phục vụ trong quân đội Mỹ đang làm việc tại nước ngoài sẽ được xem là trú tại Mỹ và được tự động cấp quyền công dân theo Đạo luật Nhập cư và quốc tịch 320.
Tuy nhiên, với quy định mới, những đứa trẻ được sinh ra tại nước ngoài, ví dụ được sinh tại các bệnh viện của quân đội hay các cơ sở ngoại giao thuộc về Mỹ sẽ không được xem là trú tại nước Mỹ. Để con được cấp quốc tịch Mỹ, cha mẹ của những em bé thuộc diện này sẽ phải nộp đơn chính thức và chờ xét duyệt cấp quốc tịch cho con họ trước khi chúng tròn 18 tuổi.
“Thay đổi chính sách này có nghĩa là chúng tôi sẽ không coi trẻ em sống ở nước ngoài có bố mẹ cùng với cha mẹ là những người trú tại Mỹ ngay cả khi cha mẹ chúng là nhân viên chính phủ hoặc là thành viên của lực lượng quân đội Mỹ. Do đó, những đứa trẻ này sẽ không còn được coi là có được quyền công dân tự động”, người phát ngôn USCIS Meredith Parker cho biết trong tuyên bố về thay đổi chính sách của Mỹ.
Truyền thông Mỹ cho biết, con cái của các thành viên của quân đội Mỹ sẽ được phép hoàn thành các thủ tục để được cấp quyền công dân ở nước ngoài nhưng con cái của các nhân viên chính phủ sẽ phải nhập cảnh hợp pháp vào nước Mỹ bằng thị thực cư trú hoặc không cư trú và đang lưu trú tại Mỹ một cách hợp pháp khi tuyên thệ Lòng trung thành để trở thành công dân Mỹ. Giám đốc USCIS Ken Cuccinelli trong một tuyên bố nhấn mạnh rằng quy định mới này không ảnh hưởng tới quyền hưởng quốc tịch theo nơi sinh. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào ngày 29/10 tới./.
Nguồn: baophapluat.vn