Tháng 11/2015, Naoko Nakashima tự sát ngay trước ngày nhập học tại trường âm nhạc. Khi ra đi, cô mới 15 tuổi.
Sau đó, người lớn tìm thấy những lời lẽ miệt thị của bạn bè trong túi áo cô bé. Trong nhật ký, có nhiều bằng chứng cho thấy nữ sinh trải qua việc bị bạn bè bắt nạt và xúc phạm nặng nề ở trường học trong khoảng thời gian dài.
Bắt nạt, bạo lực học đường vốn từ lâu là vấn nạn nhức nhối tại môi trường giáo dục ở xứ sở hoa anh đào.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản vừa công bố vào hôm 17/10, số trường hợp ghi nhận tình trạng bắt nạt học đường tại quốc gia này trong năm 2018 đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Số lượng các vụ bắt nạt học đường được ghi nhận ở mức cao chưa từng thấy. Ảnh: SCMP.
Tổng cộng, có đến hơn 540.000 vụ bắt nạt học đường diễn ra tại các trường học, tăng 31,3% so với năm trước đó.
Trên 80% số trường tham gia khảo sát cho biết họ xác định ít nhất một trường hợp học sinh hứng chịu cảnh bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt.
Số lượng vụ việc mang tính nghiêm trọng hơn như người bị bắt nạt bị chấn thương, gãy xương hay buộc phải nghỉ học một năm, tăng lên mức kỷ lục, từ 128 vụ trong năm 2017 lên 602 vụ năm 2018.
Báo cáo chỉ ra tình trạng bắt nạt học đường tại Nhật Bản diễn ra tại hầu hết cơ sở giáo dục trên cả nước, từ cấp 1 đến cấp 3, ở trường công lẫn trường tư và cả trong những trường dành cho trẻ em khuyết tật.
Con số ghi nhận tăng đột biến một phần xuất phát từ việc giáo viên tại Nhật Bản dần chú trọng quan tâm, bảo vệ học sinh và hành động kịp thời, ngay cả trong những trường hợp nhỏ nhặt.
Người đại diện Bộ Giáo dục nước này coi những thay đổi này là tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống lại bạo lực học đường tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, đối với các vụ bắt nạt nghiêm trọng về mặt sức khỏe, Bộ Giáo dục nước này vẫn chưa tìm ra được biện pháp đối phó.
Hiện tại, các bậc phụ huynh Hàn Quốc có thể mua bảo hiểm chống bắt nạt cho con dù đây không phải là cách giải quyết triệt để vấn đề. Ảnh: Japan Times.
Trong số hơn 540.000 số vụ bắt nạt, có đến hơn 425.000 trường hợp diễn ra ở các trường tiểu học. Chọc ghẹo, nói xấu chiếm từ 50-70% số vụ bắt nạt tại các trường. Tỷ lệ số vụ bắt nạt trên mạng cũng tăng thêm gần 4.000 trường hợp, lên mức 16.300 vụ và chiếm khoảng 20% số vụ tại các trường trung học.
Theo báo cáo, năm 2018, Nhật Bản có tổng cộng 332 học sinh tự tử, 9 trường hợp liên quan đến việc chịu cảnh bắt nạt học đường.
Hành vi bạo lực học đường cũng gia tăng đáng kể khi đạt mức kỷ lục gần 73.000 trường hợp, tăng thêm hơn 9.600 số vụ so với năm 2017. Tại cấp tiểu học, con số cũng lên đến hơn 36.000 vụ.
Trước mức độ nghiêm trọng càng gia tăng, Yell – một công ty bảo hiểm ở Nhật Bản lần đầu cung cấp gói bảo hiểm chống bắt nạt cho học sinh. Theo đó, cha mẹ lo sợ con bị bạn bè trêu chọc, đánh đập ở trường có thể chi hơn 2.600 yen mỗi tháng để mua bảo hiểm cho con em mình.
Dịch vụ này hỗ trợ tài chính trong các trường hợp liên quan đến pháp lý và chi phí y tế như thương tích, tài sản bị hư hại do bắt nạt gây ra. Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến miễn phí với luật sư đối tác của Yell, nếu họ cảm thấy con mình bị bắt nạt và muốn tìm đến các lựa chọn pháp lý để khắc phục tình hình.
Các luật sư có thể tư vấn cho cha mẹ về cách thu thập và tổng hợp bằng chứng cho tình huống, vì chứng minh việc bị bắt nạt là bước đầu tiên và quan trọng nhất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc cha mẹ mua gói bảo hiểm này chỉ làm con trẻ dễ trở thành mục tiêu chế giễu, châm chọc hơn khi những kẻ bắt nạt nắm được nạn nhân đã mua sẵn gói đền bù.
Trong bối cảnh chưa có giải pháp triệt để nào cho vấn nạn bắt nạt học đường ở Nhật Bản, cha mẹ và học sinh tìm đến cách thức này có khả năng chỉ nên kín đáo mua và giữ bí mật.
Nguồn: Zing.vn