Trong một báo cáo vừa đệ trình lên Liên hợp quốc, Triều Tiên cho biết sản lượng lương thực của nước này đã bị sụt giảm do thiên tai, tình trạng thiếu thốn nguyên liệu nông nghiệp và độ công nghiệp hóa thấp.
Ngày 27/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã tổ chức hội nghị cấp cao nhằm cải thiện ngành nông nghiệp trước lo ngại về tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở nước này.
Các chuyên gia cho biết tình trạng mất an ninh lương thực ở Triều Tiên ngày càng tồi tệ, nhất là trong bối cảnh quốc gia này đang bị ảnh hưởng vì phong tỏa do Covid-19 và đối mặt các lệnh trừng phạt vì phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, Chủ tịch Kim Jong Un đã theo sát Hội nghị Toàn thể Mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 vào hôm 26/2 về các dự án phát triển nông thôn.
Vào ngày đầu tiên, hội nghị đã thông qua chương trình nghị sự và thảo luận chi tiết nhiều vấn đề.
Được biết việc tổ chức hội nghị này là vô cùng cần thiết và cấp bách nhằm đưa ra chiến lược đúng đắn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Nông dân cấy lúa ở thành phố Nampho, tỉnh Chongsan-ri, Triều Tiên. (Ảnh: AFP) |
Theo nguồn tin từ Hàn Quốc, tình hình lương thực của Triều Tiên trong tháng 2 dường như đã xấu đi và hội nghị trên là minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng đó.
Vào tháng 1/2023, chương trình 38 North (38 độ Bắc) - dự án nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Stimson trụ sở tại Mỹ - cho biết lương thực hiện có ở Triều Tiên có thể đã giảm xuống dưới mức tối thiểu cần cho một người. Phản ánh tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất kể từ nạn đói những năm 1990.
Năm ngoái, sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên ước đạt 4,5 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm 2020 - theo đánh giá của chính phủ Hàn Quốc. Theo dữ liệu trước đây, trong giai đoạn 2012-2021, Triều Tiên ước tính đã sản xuất từ 4,4 triệu tấn đến 4,8 triệu tấn ngũ cốc/năm.
Tuy nhiên, Triều Tiên cần khoảng 5,5 triệu tấn ngũ cốc để nuôi sống 25 triệu dân mỗi năm, do đó, nước này thiếu khoảng 1 triệu tấn trong năm nay. Kwon Tae-jin, nhà kinh tế tại Viện GS&J tư nhân ở Hàn Quốc cho biết trong những năm qua, việc thiếu hụt lương thực chỉ được bù đắp một nửa bằng việc mua ngũ cốc từ Trung Quốc, phần còn lại vẫn chưa có cách nào giải quyết.
Triều Tiên đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Thêm vào đó, tình hình thương mại biên giới hầu như chững lại do áp dụng các lệnh phong tỏa chống dịch.
Triều Tiên được biết đến là một nước thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Vấn đề này dường như đang trở nên nghiêm trọng hơn do các trận bão và lũ lụt vào mùa hè năm ngoái đã tàn phá các cánh đồng canh tác chính.
Nguồn: Kinh tế Đô Thị