Thủ tướng Úc Scott Morrison - Ảnh: REUTERS
Phát biểu ngày 15-12, ông Morrison nói phía chính phủ Trung Quốc chưa xác nhận thông tin mà tờ Global Times (Thời Báo Hoàn cầu) đưa cuối tuần qua và Canberra vẫn đang xử lý thông tin này.
"Đó rõ ràng sẽ là sự vi phạm thỏa thuận thương mại tự do của chúng tôi [với Trung Quốc]... Đó là lý do vì sao chúng tôi đang làm rõ vụ việc. Chúng tôi hiển nhiên rất nghiêm túc về những vấn đề này", Hãng tin AFP dẫn lời thủ tướng Úc nói.
Theo bản tin của Global Times, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã gặp 10 công ty năng lượng lớn của nước này trong cuối tuần trước, cho phép các công ty này nhập khẩu than không giới hạn từ nước ngoài nhưng trừ Úc. Tờ báo cho biết các công ty Trung Quốc sẽ ưu tiên nhập than từ Mông Cổ, Indonesia và Nga.
Đến nay, việc Trung Quốc cấm than nhập từ Úc vẫn chưa được chính thức công bố dù hàng chục tàu chở than của Úc đã mắc kẹt ngoài khơi Trung Quốc vào tháng 11-2020.
Ông Morrison nói rằng việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Úc sẽ là một tình huống bất lợi cho tất cả các bên và môi trường. Theo ông, than của các nước khác phát thải hơn 50% so với than của Úc.
Thủ tướng Úc cũng cảnh báo Bắc Kinh tự làm tổn hại uy tín thương mại của mình nếu tiếp tục trừng phạt kinh tế các mặt hàng của Úc.
"Nếu có sự nhập nhằng giữa vấn đề chính trị với quan hệ thương mại, nó có thể gây bất an đối với các đối tác thương mại khác", ông Morrison nói.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cũng lên tiếng khẳng định nước này quyết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Úc.
Căng thẳng thương mại giữa Úc và Trung Quốc leo thang nhanh trong thời gian qua từ sau những căng thẳng trong ngoại giao như việc Canberra tham gia kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Đến nay, ít nhất 13 lĩnh vực và hàng hóa của Úc đã chịu sự trừng phạt của Bắc Kinh từ thịt bò, rượu, tôm hùm cho đến du lịch.
Úc trước đó đã dọa sẽ nhờ WTO can thiệp, nhưng động thái này có thể mất nhiều năm và khiến quan hệ với Trung Quốc xấu thêm. Đến nay, các đồng minh của Úc ở Mỹ và châu Âu chưa tỏ dấu hiệu mạnh mẽ sẽ ủng hộ Canberra.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online