Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ có 'biện pháp cần thiết' để bảo vệ chủ quyền, cảnh báo kế hoạch điều tàu chiến, bao gồm tàu sân bay mới nhất HMS Queen Elizabeth, đến Biển Đông của Hải quân Anh.

42 1 Trung Quoc Doa Anh Ve Chuyen Dieu Tau San Bay Moi Den Bien Dong

Anh có kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, vào đầu năm 2021 - Ảnh: AFP

"Quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của mình cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Tan Kefei cho biết.

"Phía Trung Quốc tin rằng Biển Đông không nên trở thành một vùng biển cạnh tranh giữa các cường quốc bằng sự thống trị của vũ khí và tàu chiến" - ông Tan nói thêm.

Theo báo South China Morning Post ngày 1-1, ông Tan đưa ra phát biểu trên khi được hỏi về kế hoạch Anh điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Thái Bình Dương, bao gồm đi qua Biển Đông, trong sứ mệnh đầu tiên của con tàu này.

Trước đó, cựu bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson từng nói nhiệm vụ đầu tiên của HMS Queen Elizabeth sẽ bao gồm cả Biển Đông. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật cũng đưa tin tàu sân bay này và nhóm tàu chiến hộ tống có thể phối hợp cùng với quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản gần quần đảo Ryukyu vào đầu năm 2021.

HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất và mạnh nhất do Hải quân Anh đóng, có khả năng mang theo 40 máy bay. Con tàu này dài 280m và nặng 65.000 tấn, theo trang royalnavy.mod.uk.

Hồi tháng 7-2020, Washington từng bác bỏ "các yêu sách vô lý" của Trung Quốc ở Biển Đông và chỉ trích các hành động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh tại vùng biển này. Đồng thời, Washington cũng thường xuyên điều tàu chiến đi qua khu vực này để thách thức các yêu sách vô lý của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cho rằng Mỹ và đồng minh phương Tây muốn gây căng thẳng ở Biển Đông. "Nguồn gốc thực sự của việc quân sự hóa ở Biển Đông đến từ các quốc gia bên ngoài khu vực này, khi họ gửi các tàu chiến từ quê nhà cách đây hàng ngàn km để phô diễn sức mạnh" - ông Tan bình luận.

Phát ngôn viên Tan cũng chỉ trích một báo cáo gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kêu gọi các thành viên tập trung hơn vào "những thách thức an ninh" do Trung Quốc đặt ra. Ông Tan nói rằng Trung Quốc "phản đối suy đoán vô căn cứ và cáo buộc sai trái" trong bản báo cáo.

"Chúng tôi hi vọng các bên khác có thể điều chỉnh định kiến của họ và có cái nhìn hợp lý về sự phát triển của Trung Quốc và quân đội của nước này" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thêm, đồng thời khẳng định chính sách quốc phòng của Trung Quốc là để phòng vệ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nói sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra "những thách thức quan trọng đối với an ninh". "Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của NATO... và cố gắng đe dọa các quốc gia khác" - ông Stoltenberg cho biết trong buổi họp bàn về báo cáo trên ngày 1-12.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC