Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ là tâm điểm cuộc thương chiến giữa hai nước. Ảnh: SCMP
Các luật mới - có hiệu lực từ ngày 1/12 - chủ yếu tập trung vào mảng xuất khẩu công nghệ quân sự cùng nhiều sản phẩm có thể gây hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), danh sách bị kiểm soát bao gồm nhiều mặt hàng công nghệ nhạy cảm, hàng hóa quân sự và sản phẩm lưỡng dụng dân sự - quân sự.
Các nhà xuất khẩu sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu những mặt hàng tiềm tàng gây nguy hiểm cho Trung Quốc, dù chúng không có tên trong danh sách. Những ai vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép xuất khẩu và phải nộp phạt số tiền gấp 10 lần giá trị hợp đồng.
Quy định mới cũng được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức nước ngoài.
Theo hãng tin Anh BBC, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu kể trên của Trung Quốc được cho là nhằm đáp trả những hành động tương tự của Mỹ. Trước đó, nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc gồm TikTok, Huawei và Tencent đã bị Washington đưa vào "danh sách đen".
BBC cho biết thêm, có nhiều lo ngại động thái mới của Bắc Kinh có thể làm leo thang cuộc thương chiến đang diễn ra với Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu từ năm 2018 và tăng mạnh trong năm 2020.
Chiến tranh Lạnh công nghệ
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố nhiều sắc lệnh hành pháp chống lại một loạt công ty Trung Quốc, viện dẫn họ có thể chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh.
Luật xuất khẩu mới của Trung Quốc là "một phản ứng trước sự leo thang cuộc chiến công nghệ đó, và Trung Quốc đang tìm cách củng cố lợi thế của mình", BBC dẫn bình luận của giáo sư Alex Capri thuộc Đại học quốc gia Singapore.
Trò chuyện trên chương trình Bản tin Kinh doanh châu Á của BBC, ông Capri nói: "Điều duy nhất tôi thấy thực sự thú vị là Trung Quốc đã đặt trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán dưới các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Điều này xuất phát từ lệnh cấm của Mỹ đối với Tiktok. Trung Quốc không muốn chia sẻ AI".
Ông Capri tin rằng cuộc thương chiến đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn đi "cùng quỹ đạo" dưới thời Tổng thống Joe Biden. "Chúng ta đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc - một cuộc Chiến tranh Lạnh về kỹ thuật", ông nhấn mạnh thêm.
Đất hiếm
Dù chưa có bất kỳ mặt hàng cụ thể nào thuộc diện áp dụng luật trên được công bố, giới quan sát cho rằng đất hiếm có khả năng bị hạn chế xuất khẩu. Lo ngại này đã khiến giá đất hiếm tăng cao.
Trung Quốc vốn là một cường quốc về đất hiếm. Với trữ lượng rất lớn, nước này hiện là nhà cung cấp đất hiếm nhiều nhất thế giới, chiếm tới hơn 60% tổng sản lượng toàn cầu.
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn