Số lượng tàu chiến Trung Quốc gia tăng đáng kể trong thập niên qua khiến Hải quân Mỹ lên kế hoạch tích trữ hàng trăm tên lửa diệt hạm.

Trong tài liệu về đề xuất chi tiêu ngân sách quốc phòng của hải quân Mỹ cho năm tài chính 2021, chuẩn đô đốc Randy Crites nhấn mạnh một trong số ưu tiên hàng đầu trong chi tiêu quốc phòng là trang bị thêm tên lửa diệt hạm vì Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân."Trong 10 năm qua, số lượng tàu chiến nổi của Trung Quốc tăng lên khoảng 335 chiếc.

Cùng lúc, hải quân Trung Quốc chuyển hướng từ xây dựng lực lượng bảo vệ đất nước sang tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu.

Do đó, Mỹ cần phải tăng cường sức mạnh hải quân", ông Crites lưu ý.Cụ thể, Hải quân Mỹ đề xuất tăng ngân sách để mua 850 tên lửa diệt hạm trong vòng 5 năm tới, với chức năng duy nhất là tìm diệt tàu chiến của đối phương, theo trang Defense News.

Trước đó, vào năm tài chính 2016, hải quân Mỹ chỉ yêu cầu ngân sách mua 88 tên lửa diệt hạm trong kế hoạch 5 năm.Đề xuất được đưa ra sau khi các chuyên gia dự báo đến năm 2035, Hải quân Trung Quốc sẽ tăng số lượng tàu chiến lên tới 420 chiếc.

Trong số 850 tên lửa mà Hải quân Mỹ đề xuất mua, đáng chú ý nhất là tên lửa hành trình tàng hình diệt hạm LRASM. Hải quân cùng Không quân phối hợp với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) phát triển loại tên lửa LRASM.

42 1 Trung Quoc Mo Rong Hai Quan My Tich Tru Kho Ten Lua Diet Ham

Tên lửa diệt hạm LRASM Hải quân Mỹ

Chuyên san National Interest đánh giá LRASM là loại vũ khí mà Trung Quốc "phải khiếp sợ" nếu xung đột bùng nổ. Được trang bị công nghệ tàng hình, LRASM có hệ thống tự ra quyết định để thoát khỏi tầm ngắm của hệ thống phòng thủ tên lửa trên các tàu chiến. Tên lửa LRASM còn được tích hợp khả năng nhận dạng mục tiêu và phạm vi hoạt động lên đến 800 km.

LRASM được trang bị nhiều bộ cảm biến để có thể tự động tìm kiếm và xác định các tàu chiến của đối thủ, cùng lúc phân loại tàu dân sự. Bên cạnh đó, tên lửa có thể đạt vận tốc tối đa 980 km/giờ, có thể truyền dữ liệu, bao gồm dữ liệu camera, ngược lại bệ phóng thông qua hệ thống liên kết dữ liệu hai chiều.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ muốn tiếp tục nâng cấp tên lửa Tomahawk của hãng Raytheon thành "Maritime Strike Tomahawk" (MST, Tomahawk Tấn công Trên biển), với tầm bắn khoảng 1.666 km. Cụ thể, Hải quân Mỹ tuyên bố vừa nâng cấp bộ dụng cụ tìm kiếm mới cho MST "giúp tên lửa có khả năng tìm diệt các mục tiêu đang di chuyển trên biển".

Mặt khác, Hải quân Mỹ cũng mua thêm tên lửa diệt hạm thế hệ mới NSM (Naval Strike Missile) do công ty quốc phòng Na Uy Kongsberg sản xuất. Đây là loại tên lửa được thiết kế để trang bị cho các tàu chiến hạng nhẹ hoạt động ở Thái Bình Dương.

Tên lửa NSM đã được triển khai trên tàu tác chiến cận bờ Mỹ USS Gabrielle Giffords hồi năm ngoái.

"Việc Hải quân Mỹ tăng cường trang bị các tên lửa LRASM, NSM, MST là một bước ngoặt lớn trong chi tiêu ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường năng lực diệt hạm", theo nhận định của chuyên gia Eric Sayers, cựu nhân viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - cựu trợ lý của Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng đã phát triển các tên lửa diệt hạm được đánh giá vượt xa các tên lửa tương đương của Mỹ, và được thiết kế để chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa nhờ vào vận tốc siêu thanh.

Chẳng hạn, tên lửa hành trình Nga P-800 Oniks có khả năng đánh trúng các mục tiêu trên biển ở khoảng cách 595 km, với vận tốc 2.469,6 km/giờ, tức gấp 2 lần vận tốc âm thanh (1.236 km/giờ).

Còn Trung Quốc có tên lửa hành trình chống hạm YJ-18, dựa trên thiết kế tên lửa hành trình Nga Kalibr, có thể đạt vận tốc siêu thanh Mach 3 (3.704,4 km/giờ).




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC