Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 22/6 dẫn lời chuyên gia của nước này khẳng định đập Tam Hiệp chịu được các tác động thông thường mà một số nhà quan sát quốc tế đưa ra và cho biết, con đập vẫn còn nguyên vẹn.
Một bức ảnh vệ tinh nghi ngờ đập Tam Hiệp méo mó, sắp "vỡ". Ảnh: SCMP/Google Maps
Ông Guo Xun, nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học kỹ thuật Trung Quốc, khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.
Hiện tại, các khu vực phía nam và đông Trung Quốc đang trải qua mùa mưa khó lường, được đánh giá là trận lũ lụt lịch sử 80 năm qua ở nước này. Mưa lớn trên diện rộng kéo dài gây lũ lụt và ảnh hưởng tới cuộc sống ít nhất 2 triệu người, thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỉ nhân dân tệ.
Ông Guo Xun cũng lưu ý, mực nước đã chạm mốc 147m vào cuối tuần trước, cao hơn 2m so với mức cảnh báo lũ, lưu lượng nước đổ về tăng từ 20.500 m3/s lên 26.500 m3/s chỉ sau một ngày. Điều này nghĩa là Tam Hiệp cần phải xả đập để giữ lại cân bằng.
"Tuy nhiên, đây là chuyện bình thường trong mùa mưa. Nước không phải là thách thức lớn với hồ chứa" - chuyên gia Guo khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và khi lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.
Lũ lụt tại Trùng Khánh ghi nhận ngày 21/6. Ảnh: Taiwan News
Các khu vực phía nam và đông Trung Quốc đang trải qua mùa mưa khó lường. Mưa lớn trên diện rộng kéo dài gây lũ lụt và ảnh hưởng tới cuộc sống ít nhất 2 triệu người. Ở phía nam Trung Quốc, mưa lớn và lở đất từ ngày 1/6 đã nhấn chìm 7.300 căn nhà, ảnh hưởng đến 8 triệu người, tính đến ngày 21/6. Thiệt hại kinh tế ước tính đã lên tới 2,9 tỉ USD, theo quan chức địa phương.
Khi lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc bước vào mùa lũ, thượng lưu đập Tam Hiệp đang chứng kiến mức lũ cao nhất kể từ năm 1940. Các video xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc cho thấy một lượng nước cực lớn tràn ngập 10 tỉnh và thành phố ở thượng lưu con đập Tam Hiệp.
Lượng mưa dự kiến sẽ đạt cực đại vào ngày 23, 24/6 khiến cơ quan dự báo khí tượng thủy văn của nước này đã phát đi cảnh báo đến hơn 10 tỉnh và thành phố.
Tân Hoa xã không phủ nhận các tin đồn hay khẳng định sự an toàn tại đập Tam Hiệp. Thay vào đó, cơ quan thông tấn này phát đi bản tin về số lượng tàu thuyền đi qua đập trong năm 2019 và 16 năm trước đó.
Tân Hoa xã khẳng định hệ thống "thang máy" dành cho tàu bè tại đập Tam Hiệp cũng như nhiều cấu trúc khác của nó vẫn an toàn. Năm 2019, có đến 146 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua các âu tàu của Tam Hiệp.
Bức ảnh so sánh đập Tam Hiệp vào năm 2019 đã bị biến dạng. |
Năm 2019 cũng đã xuất hiện các tin đồn về an nguy của con đập lớn nhất hành tinh. Khi đó, chuyên gia Guo Xun cũng là người "giải vây" khi khẳng định rằng: "Đập Tam Hiệp là dự án an toàn tuyệt đối, có thể tồn tại tới 1.000 năm. Ngoài trọng lực, không có ngoại lực nào, kể cả lũ lụt hay động đất, có thể làm con đập biến dạng".
Ông Guo lưu ý rằng trong thực tế, tất cả con đập đều trải qua quá trình biến dạng nhất định hàng ngày do lực hấp dẫn của Trái đất. Nhưng biến dạng nằm trong phạm vi đã tính toán thì mọi thứ đều an toàn.
Ông Guo cũng khẳng định nếu có một ngày đập Tam Hiệp biến dạng vượt quá phạm vi tính toán thì thanh cốt thép trong đập, vốn có khả năng nén cực cao sẽ ngăn không cho đập bị vỡ.
Dữ liệu theo dõi của Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG) năm 2019 cho thấy các chỉ số vẫn đang ở mức cho phép, các công trình của đập đều đang trong tình trạng ổn định. Báo cáo của CTG lưu ý, nền con đập có dịch chuyển theo chiều dọc từ 1,45mm đến 26,69mm, dịch chuyển theo chiều ngang khoảng 4,63mm.
CTG tuyên bố để giám sát con đập theo thời gian thực, họ đã lắp đặt gần 13.000 thiết bị, trong đó có hơn 2.600 thiết bị phát hiện biến dạng. Họ cũng có hơn 5.300 màn hình theo dõi, phát hiện biến dạng trong các công trình.
Những người làm công tác bảo vệ đập của CTG cho rằng nhiệt độ cao và hơi nước có thể làm sai lệch hình ảnh của Google Vệ tinh.
Bức ảnh chụp Đập Tam Hiệp vào ngày 8/6/2020. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Mưa lũ lớn không ngừng từ đầu tháng 6 đã khiến dư luận Trung Quốc hết sức lo lắng cho công trình thủy điện khổng lồ. Theo Taiwan News, nhà thủy văn học nổi tiếng người Trung Quốc Wang Weiluo là một trong số nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về sự an toàn của đập Tam Hiệp.
Ông Wang cho rằng đập Tam Hiệp không an toàn như mọi người nghĩ.
Ông Wang chỉ ra thiết kế, xây dựng công trình và quản lý chất lượng của đập Tam Hiệp đều do một đơn vị đảm nhận. Công trình được gấp rút hoàn thiện nên chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật. Ông nhắc đến những vết nứt và lớp bê tông không đạt tiêu chuẩn. Những vấn đề này được phát hiện trong quá trình thi công đập.
Hôm 10/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, Ye Jianchun cũng thừa nhận mực nước ở 148 con sông của Trung Quốc đã tăng vượt mức an toàn và rằng đập Tam Hiệp không làm tốt vai trò kiểm soát lũ.
Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hiện là công trình thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện, đạt công suất lên tới 22.500 MW. Với chiều cao 181m, hồ chứa rộng nhất trải dài 610 km2, con đập này có thể chứa lượng nước lên đến 42 tỉ tấn - lượng nước lớn đến mức có thể khiến Trái Đất quay chậm lại so với bình thường. Chi phí xây dựng đập vào thời điểm năm 1994 đã lên tới hơn 30 tỉ USD.
Cúc Phương
Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT