Phát biểu tại một diễn đàn ở Thành Đô (Trung Quốc), ông Cao Phúc khẳng định các loại vắcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc hiện nay "không có tỉ lệ ngăn ngừa quá cao".
Người đứng đầu CDC Trung Quốc cho hay đang đánh giá hai phương án nhằm xử lý vấn đề này, theo South China Morning Post.
Thứ nhất, điều chỉnh liều lượng, khoảng cách giữa các lần tiêm chủng hoặc tăng số lượng liều tiêm lên.
Thứ hai, trộn vắcxin, sử dụng các công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc không khuyến khích trộn các loại vắcxin khác nhau.
Các chuyên gia y tế nhìn chung thống nhất rằng việc trộn các loại vắcxin COVID-19 có thể là phương án an toàn, và một số thử nghiệm lâm sàng đang được thực hiện tại Anh cũng như các nước khác nhằm xem xét hiệu quả của cách làm này.
Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc công khai thảo luận về hiệu quả tương đối thấp của các loại vắcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc.
Hãng tin AP trong khi đó cũng nhận xét đây là lần hiếm hoi Trung Quốc thừa nhận vấn đề về hiệu quả vắcxin của nước này. Bắc Kinh đã phân phối hàng trăm triệu liều vắcxin COVID-19 tại các quốc gia khác, trong khi "cố gắng thúc đẩy hoài nghi về tính hiệu quả của các loại vắcxin phương Tây".
Hiệu quả ngừa bệnh của vắcxin Sinovac, một loại vắcxin do Trung Quốc phát triển, được biết đang khá thấp - ở mức 50,4%, theo các nhà nghiên cứu ở Brazil. Để so sánh, hiệu quả ngăn ngừa của vắcxin Pfizer là 97%.
Trung Quốc tới nay cũng chưa phê chuẩn bất kỳ loại vắcxin nước ngoài nào để tiêm cho người dân trong nước.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online