Mục tiêu tiêm chủng 40% dân số (khoảng 560 triệu người) trước cuối tháng 6-2021 đang đặt ra áp lực lớn cho các địa phương Trung Quốc.
Những tấm ápphích quảng cáo chương trình tiêm chủng "mọc lên như nấm" ở khắp thủ đô Bắc Kinh những tuần gần đây.
Để khuyến khích người dân đi tiêm, quận Đại Hưng thông báo sẽ phát những phiếu mua sắm có tổng trị giá lên đến 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 700 nghìn tỉ đồng Việt Nam) cho những người đã tiêm đủ các mũi vắc xin COVID-19.
Thậm chí, trên phố Beixinqiao, chính quyền còn tuyên bố thưởng ngay… 2 vỉ trứng cho những người trên 60 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Các quan chức địa phương cũng đang chịu áp lực rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Do đó, bên cạnh phần thưởng, họ cũng liên tục công khai gây áp lực để người dân nhanh chóng hoàn thành chương trình chích ngừa.
Sau hai lần bị ủy ban khu phố gửi giấy triệu tập tiêm vắc xin COVID-19, bà Wang Shuhui, một phụ nữ ngoài 60 tuổi ở Bắc Kinh, đành phải tuân thủ và chấp nhận cảnh mắc kẹt trong hàng dài hơn 100 người đang chờ được tiêm.
Bên trong một trung tâm tiêm vắc xin COVID-19 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
"Vấn đề không phải là hai vỉ trứng, tôi chỉ đi vì ủy ban khu phố cứ liên tục thúc giục", bà lắc đầu ngán ngẩm chia sẻ.
Nhiều phần quà hấp dẫn là vậy, song không chỉ bà Wang mà nhiều người dân tại thủ đô cũng miễn cưỡng khi nhắc đến chuyện chích ngừa với nhiều lý do khác nhau.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), vì Trung Quốc đã rất thành công trong việc ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều người dân ở đây dường như không màng đến việc tiêm vắc xin.
Ông Li Zhiyong, một người dân ngụ tại quận Đông Thành, cho biết: "Công ty cứ thúc ép tôi phải tiêm phòng và họ nói rằng tôi không đi đồng nghĩa với việc tôi thiếu ý thức chính trị".
"Nhưng tôi vẫn sẽ không đi. Vì tôi đã hỏi nếu như có sự cố gì với tôi sau khi tiêm chủng thì sao, họ nói sẽ không chịu trách nhiệm vì đi tiêm là việc tự nguyện", ông Li chia sẻ thêm.
Ông Tony Wong, một doanh nhân tại quận Triều Dương, cho biết ông cũng không vội tiêm phòng vì dù có tiêm đủ 2 mũi, ông vẫn sẽ phải cách ly khi ra nước ngoài.
Hiện nay, Trung Quốc đang bị nhiều nước phát triển bỏ xa trong "cuộc đua" tạo miễn dịch cộng đồng. Dù trên thực tế đây là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi mạnh mẽ sau các tác động của đại dịch trong năm vừa qua.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 5-4 thông báo tính đến hết ngày 4-4, Trung Quốc đã tiêm được tổng cộng 137,97 triệu liều vắc xin COVID-19.
Theo thống kê của Our World in Data, tính đến cuối tháng 3-2021, tỉ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc chỉ đạt khoảng 8 liều/100 người, thấp hơn nhiều so với 44 liều/100 người ở Mỹ và 50 liều/100 người ở Anh.
Với tiến độ này, Trung Quốc, nước chủ nhà của Thế vận hội Olympic mùa đông 2022, có khả năng vừa không thể đón khách du lịch trở lại, vừa phải đối mặt với các làn sóng dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong tương lai, theo SCMP.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online