Chuyên gia Trung Quốc đánh giá đợt bùng phát dịch tại thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam giáp với Myanmar đã nhắc nhở rằng, công tác 'tiêm vắc xin toàn dân' nên được ưu tiên thực hiện ở tất cả khu vực biên giới.

42 1 Trung Quoc Tiem Vac Xin Toan Bo 300000 Dan O Bien Gioi De Ngan Dich Nhap Tu Myanmar

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm 5-4 đưa tin về tình hình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam - Ảnh: CCTV

"Nếu không đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin toàn dân, Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn mở cửa trở lại với thế giới.

Ông Trương Văn Hoành (chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Trung Quốc, nói trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cuối tuần trước)

Ngày 5-4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 15 ca lây nhiễm ở cộng đồng trong ngày 4-4, tất cả tập trung tại thành phố Thụy Lệ. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 mới cùng ngày ở nước này - tính cả các ca "nhập" từ nước ngoài - là 32, mức tăng hằng ngày cao nhất trong 2 tháng qua kể từ hôm 31-1.

Nghi nhập dịch từ Myanmar

Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc căng thẳng trở lại khi đợt bùng phát dịch mới xuất hiện ở thành phố biên giới Thụy Lệ, với ca nhiễm đầu tiên được xác định hôm 29-3. Trong số các ca nhiễm được ghi nhận tại đây có cả người Trung Quốc và Myanmar. Chính quyền đã đóng cây cầu chính nối giữa Trung Quốc - Myanmar hôm 30-3.

Từ kết quả giải trình tự gen virus ở Thụy Lệ, chính quyền địa phương cuối tuần trước nghi ngờ các ca bệnh tại đây có thể đã "nhập" từ Myanmar - quốc gia ghi nhận hơn 142.500 ca bệnh COVID-19 đến nay - thông qua con người hoặc hàng hóa và không liên quan đến các đợt bùng phát dịch trong nước gần đây.

Trung Quốc không công bố đợt dịch mới ở Thụy Lệ đã bắt đầu như thế nào, nhưng Hãng tin Tân Hoa xã hôm 31-3 đăng một bài bình luận chỉ trích chính quyền địa phương vì không rút ra bài học từ đợt bùng phát dịch đầu tiên tại thành phố này hồi tháng 9-2020, khi một số người Myanmar nhập cảnh trái phép vào Thụy Lệ.

Trong số những ca nhiễm mới được ghi nhận ở Thụy Lệ, có ít nhất 11 người được xác định là công dân Myanmar. "Đợt dịch lần này ở Thụy Lệ phải chăng cũng có liên quan tới vấn đề vượt biên?" - Tân Hoa xã đặt câu hỏi.

Theo tờ Thời Báo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã trải qua hơn 20 đợt bùng phát dịch tương tự vụ việc ở Thụy Lệ. Thành phố này là một điểm trung chuyển quan trọng của tỉnh Vân Nam, nơi có đường biên giới dài 4.000km với một số quốc gia Đông Nam Á.

Sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, chính quyền thành phố Thụy Lệ đã áp dụng một loạt biện pháp như cách ly tại nhà đối với người dân sống trong khu vực đô thị, xét nghiệm trên diện rộng và hạn chế người ra vào thành phố từ tuần trước.

Tiêm vắc xin tất cả dân Thụy Lệ

Đặc biệt, từ hôm 2-4, chính quyền đã triển khai chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ khoảng 300.000 người dân Thụy Lệ chỉ trong 5 ngày, với 25 điểm tiêm vắc xin được lập ra. Thụy Lệ trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn dân khi phản ứng với đợt bùng phát mới.

"Có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sau chương trình tiêm vắc xin rộng khắp thành phố này" - ông Cung Vân Tôn, bí thư Thành ủy Thụy Lệ, cho biết.

Bác sĩ Vương Quảng Phát, chuyên gia hô hấp tại Đệ nhất Y viện thuộc Đại học Bắc Kinh, lưu ý việc tiêm vắc xin toàn dân như trên có thể là biện pháp tham khảo dành cho các thành phố biên giới khác ở Trung Quốc để kiểm soát dịch COVID-19 trong tương lai.

"Trung Quốc có biên giới dài và nhiều thị trấn nhỏ ở biên giới không có rào cản tự nhiên với các nước láng giềng. Do đó có nguy cơ nhập khẩu dịch thông qua con người hoặc hàng hóa" - ông Vương đánh giá, đồng thời cho rằng tình hình ở Thụy Lệ đã cho thấy một số lỗ hổng trong công tác chống dịch tại biên giới Trung Quốc hiện nay.

Liên quan đợt COVID-19 mới, thành phố Thụy Lệ đã thiết lập 506 trạm kiểm soát dọc biên giới, với hơn 3.900 người đã được huy động làm nhiệm vụ. Ông Cung Vân Tôn cho biết chính quyền đã lên kế hoạch dựng các chướng ngại vật ở biên giới, để ngăn những người vượt biên từ Myanmar vào Trung Quốc.

Ông Vương Quảng Phát cho rằng ngoài biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt trong nước cùng việc lập thêm các trạm kiểm soát biên giới và tiêm chủng đại trà, Trung Quốc cũng nên xem xét hỗ trợ một số nước láng giềng về nguồn lực y tế, từ đó giảm nguy cơ nhập ca bệnh.

Trung Quốc đã tiêm vắc xin 4% dân số

Ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cho biết trước đây Trung Quốc ưu tiên tiêm vắc xin cho các nhóm nguy cơ cao và quan trọng, nhưng đợt bùng phát ở Thụy Lệ đã nhắc nhở rằng "công tác tiêm vắc xin toàn dân nên được ưu tiên tiến hành ở tất cả khu vực biên giới, đặc biệt là nơi xuất hiện dịch".

Bác sĩ Trương Văn Hoành, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn (Thượng Hải), cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đại trà để đạt miễn dịch cộng đồng. Với dân số khoảng 1,4 tỉ người, tỉ lệ người đã tiêm vắc xin hiện nay ở Trung Quốc chỉ mới 4%, còn cách xa mức 70% để đạt miễn dịch cộng đồng, theo ông Trương.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC