Phó tổng thống Mike Pence trong phiên họp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hôm 6/1. Ảnh: Reuters.
Sau vụ người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, một số nghị sĩ kêu gọi phế truất Tổng thống Donald Trump trước khi tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Cảnh hỗn loạn xảy ra sau khi ông Trump, người không cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, kêu gọi hàng nghìn người ủng hộ hãy biểu tình vì cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 có gian lận.
Một tổng thống Mỹ có thể bị phế truất bằng hai cách. Bên cạnh tiến trình luận tội ở Hạ viện và kết án ở Thượng viện - điều mà ông Trump từng trải qua, Tu chính án thứ 25 cũng là cơ sở để tước bỏ quyền lực của tổng thống.
Trong cả hai kịch bản trên, Phó tổng thống Mike Pence đều sẽ trở thành người tiếp quản Nhà Trắng cho đến khi ông Biden nhậm chức.
Một nguồn tin của Reuters cho biết một số thành viên nội các và các đồng minh của ông Trump đã thảo luận việc viện dẫn Tu chính án thứ 25.
Người biểu tình ủng hộ ông Trump tràn vào Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: Reuters.
Mục đích của Tu chính án thứ 25 là gì?
Tu chính án thứ 25 được ban hành sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963 và được phê chuẩn vào năm 1967. Nội dung đề cập chuyện tổng thống không còn khả năng đảm đương chức vụ và vấn đề kế nhiệm.
Phần 4 đề cập đến các tình huống mà tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ nhưng không tự nguyện từ chức.
Theo các chuyên gia, những người soạn thảo Tu chính án thứ 25 rõ ràng có ý định áp dụng luật này khi một tổng thống bị mất khả năng làm việc vì bệnh tật, bao gồm bệnh tâm thần.
Một số học giả cũng lập luận rằng tu chính án này có thể áp dụng rộng rãi hơn với một tổng thống không còn phù hợp để giữ chức, thậm chí có thể gây nguy hiểm.
Để kích hoạt Tu chính án thứ 25, ông Pence và đa số thành viên nội các cần phải tuyên bố rằng ông Trump không thể thực hiện các nhiệm vụ của tổng thống, và phế truất ông. Ông Pence sẽ tiếp quản Nhà Trắng trong kịch bản đó.
Ông Trump có thể tuyên bố mình vẫn đủ khả năng tiếp tục công việc. Nếu ông Pence và đa số nội các không phản đối tuyên bố này, tổng thống sẽ giành lại được quyền lực.
Nếu họ phản đối, vấn đề sẽ do quốc hội quyết định, nhưng ông Pence vẫn tiếp tục làm tổng thống cho đến lúc đó.
2/3 ý kiến tán thành ở cả hai viện quốc hội sẽ là mức tối thiểu để phế truất ông Trump. Tuy nhiên, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát có thể chỉ muốn trì hoãn việc bỏ phiếu cho đến khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc, theo ông Paul Campos - giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Colorado.
Ông Campos cho biết Tu chính án thứ 25 sẽ là cách thích hợp để phế truất ông Trump, và ưu điểm của cách này là nhanh chóng hơn so với việc luận tội.
"Ông Pence có thể ngay lập tức trở thành tổng thống, trong khi việc luận tội và kết án có thể mất ít nhất vài ngày", vị giáo sư nói.
Giữa lúc Tổng thống Trump tức giận về những gì ông cho là sự phản bội, một loạt trợ lý hàng đầu từ chức hoặc cân nhắc nghỉ việc.
Washington Post nói một bầu không khí khó chịu sâu sắc đang tồn tại trong đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, khi tổng thống chưa chịu chấp nhận thất bại và làm gián đoạn quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình cho ông Biden.
Một quan chức chính quyền hôm 6/1 mô tả hành vi của ông Trump vượt xa tưởng tượng của mọi người, trong khi một người khác nói tình hình hiện tại "quá sức chịu đựng".
Các quan chức lo sợ nếu ông Trump vẫn tại vị - dù chỉ vài ngày, ông vẫn có thể kích động bạo lực dẫn đến thương vong nghiêm trọng hơn. Do đó, trong tối 6/1, họ thảo luận liệu có thể viện dẫn Tu chính án thứ 25 để buộc ông ra đi hay không.
Một cựu quan chức cấp cao xác nhận về những cuộc thảo luận này, dù người này nói rõ đây là trao đổi không chính thức và chưa có dấu hiệu về một kế hoạch hành động tức thì.
Ông Trump có thể bị luận tội và phế truất không?
Câu trả lời là có.
Một quan niệm sai lầm về "luận tội" cho rằng đây là cách nói khác của việc phế truất tổng thống. Trên thực tế, việc luận tội là một quy trình tại Hạ viện - nơi đưa ra những cáo buộc đối với tổng thống, giống như cáo trạng mà công tố viên đưa ra trong một vụ án hình sự.
Sau khi Hạ viện thông qua các cáo buộc, thủ tục kế tiếp sẽ diễn ra ở Thượng viện để tổ chức một phiên tòa xác định tội danh của tổng thống. Hiến pháp Mỹ yêu cầu phải có 2/3 phiếu thuận tại Thượng viện để kết tội và phế truất tổng thống.
Ông Trump từng bị luận tội tại Hạ viện, nơi đảng Dân chủ kiểm soát, vào tháng 12/2019 vì cáo buộc lạm dụng quyền lực để gây sức ép buộc Ukraine điều tra cha con ông Biden. Tuy nhiên, tổng thống đã được Thượng viện, do đảng Cộng hòa chiếm đa số, xử trắng án vào tháng 2/2020.
Ông Trump có thể bị cáo buộc những tội danh nào?
Ông Frank Bowman, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Missouri, cho biết ông Trump có thể bị buộc tội xúi giục bạo lực hoặc âm mưu lật đổ chính phủ Mỹ.
Song ông Bowman cho rằng ông Trump cũng có thể bị luận tội vì một tội danh chung chung hơn: không trung thành với hiến pháp Mỹ và không tuân thủ lời tuyên thệ khi nhậm chức. Quốc hội có toàn quyền trong việc xác định các "tội nặng và tội nhẹ".
"Hành vi vi phạm cơ bản sẽ là vi phạm hiến pháp - cố phá hoại kết quả của một cuộc bầu cử được tiến hành hợp pháp", vị chuyên gia nói.
Đông Phong Theo Reuters