Các tù nhân Mỹ mắc HIV hay viêm gan C vẫn bán huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân Anh từ thập niên 1970, khiến nhiều người lây bệnh.

Infected Blood Inquiry (IBI), đơn vị phụ trách điều tra bê bối truyền máu nhiễm mầm bệnh ở Anh, ngày 20/5 kết luận hơn 30.000 người đã nhiễm các loại virus như HIV và viêm gan sau khi bị truyền máu nhiễm mầm bệnh trong khoảng thời gian từ thập niên 1970 tới đầu những năm 1990.

Bê bối truyền "máu bẩn" này được coi là thảm họa điều trị lớn nhất trong 8 thập kỷ của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), khiến Thủ tướng Rishi Sunak phải lên tiếng xin lỗi.

Các bệnh nhân Anh trong bê bối này là những người mắc bệnh máu khó đông, cần được bổ sung Yếu tố VIII, chất thay thế protein đông máu. Yếu tố VIII này lúc đó được sản xuất từ hàng nghìn mẫu huyết tương trộn lẫn với nhau ở Mỹ, được các công ty dược mua từ những người hiến tặng có nguy cơ lây nhiễm virus truyền qua đường máu cao, như người tiêm chích ma túy, tù nhân và gái mại dâm.

Báo cáo của IBI cho hay các tù nhân ở Mỹ đã bán huyết tương phục vụ điều trị y tế trong những năm 1970 và 1980, dẫn tới lây nhiễm HIV cho 1.250 người mắc bệnh máu khó đông ở Anh.

1 Tu Nhan My Tung Hien Mau Nhiem Hiv Cho Benh Nhan Anh

Brendan West, nạn nhân bị truyền "máu bẩn", tại nhà riêng ở Farnborough, Hampshire, Anh, ngày 28/3. Ảnh: AP

The Poison Line, tài liệu ghi lại vụ bê bối truyền máu ở Anh, tiết lộ lời kể của Richard Vincent, người từng thụ án tại Nhà tù bang Louisiana ở Mỹ, về cảnh tù nhân quan hệ tình dục bừa bãi và sử dụng ma túy trong khi chờ hiến máu.

"Chẳng có gì lạ khi thấy cảnh tù nhân quan hệ tình dục trong nhà vệ sinh chỉ 5 phút trước khi tới bàn hiến máu", Vincent cho hay.

Trung tâm hiến máu tại nhà tù Louisiana khi đó được gọi là "phòng trăng mật". Lính canh đã tháo bỏ cửa ngăn nhà vệ sinh để ngăn tù nhân quan hệ tình dục trước khi hiến máu nhưng bất thành, dù trong nhà tù lúc ấy đầy rẫy người nhiễm HIV và viêm gan C.

Báo cáo của Brian Langstaff, chủ tịch IBI, cho hay "cái giá của việc lấy máu từ nguồn hiến số lượng lớn và được trả tiền là gia tăng nguy cơ lớn cho người nhận máu, khiến họ dễ mắc bệnh nghiêm trọng, thậm chí bệnh gây tử vong".

Cuộc điều tra về bê bối máu bẩn kết luận nước Anh đáng lẽ không được cấp phép sản xuất Yếu tố VIII thương mại tại Mỹ hơn 50 năm trước vì rủi ro đã lường trước.

"Nước Anh đã sai khi cấp phép sản xuất những sản phẩm này năm 1973. Những sản phẩm này đáng lẽ không được phép phân phối ở Anh", ông Brian nói.

Ông cho hay các bác sĩ, chính trị gia và công ty dược phẩm đã biết trước về nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan và HIV do Yếu tố VIII nhưng không thông báo cho bệnh nhân. Máu cũng được thu thập từ các tù nhân ở Anh khiến bệnh nhân nhiễm viêm gan C.

"Năm 1975, giám đốc y tế Anh tuyên bố tiếp tục lấy máu từ nhà tù cho dù biết rõ tỷ lệ mắc bệnh viêm gan ở tù nhân cao hơn", ông Brian nói tiếp. "Hành động này tiếp diễn ở Anh cho tới tận năm 1984. Không có động thái nào được thực hiện để phòng ngừa tù nhân, những người tiêm ma túy và có nguy cơ mắc bệnh viêm gan cao, tiếp tục hiến máu".

Hàng nghìn người đã chết vì bị truyền máu nhiễm mầm bệnh và sẽ còn nhiều người thiệt mạng thêm. Ông Brian cho rằng thảm họa này đáng lẽ có thể ngăn ngừa và không bao giờ được phép xảy ra.

Hồng Hạnh (Theo Telegraph)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC