Vào nửa đêm ngày 20/1,Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố lệnh trừng phạt 28 cựu quan chức trong chính phủ ông Trump (Ảnh: Dongfang).
Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương), vào lúc đầu giờ ngày 21/1 theo giờ Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố giữa đêm khuya họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức trong chính quyền của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Donald Trump, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Quyết định trừng phạt này được Trung Quốc đưa ra vào lúc chưa đầy nửa giờ sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, nhưng Bắc Kinh không công bố toàn bộ danh sách những người bị trừng phạt.
Theo nội dung công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có tới 28 người bị trừng phạt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết, “trong mấy năm qua, một số chính trị gia chống Trung Quốc tại Hoa Kỳ, vì lợi ích chính trị của bản thân và thành kiến, căm ghét Trung Quốc, đã lên kế hoạch và thúc đẩy một loạt các hành động điên cuồng, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại đến lợi ích của người dân Trung Quốc và cũng phá hoại quan hệ Trung – Mỹ. Điều này đã làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc, và làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Trung-Mỹ. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của chính phủ Trung Quốc là không thể lay chuyển”.
Ông Mike Pompeo trở thành người Mỹ bị căm ghét nhất trên truyền thông Trung Quốc gần đây (Ảnh: AP).
Trung Quốc đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 28 người đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và chịu trách nhiệm chính về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, gồm những người trong chính quyền Donald Trump như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Ủy ban Thương mại Quốc gia Peter Navarro, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David R. Stilwell, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Matthew Pottinger, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Keith Krach, Đại diện Thường trực tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và cựu Chiến lược gia chính của Tổng thống Trump Stephen K. Bannon...
Những người bị trừng phạt nêu trên và gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao. Họ và các công ty và tổ chức trực thuộc của họ cũng bị hạn chế giao dịch và kinh doanh với Trung Quốc.
Hãng truyền hình Anh BBC ngày 20/1 đưa tin, ngay trước khi Mỹ chuyển giao chính quyền, ông Pompeo ngày 19/1 đã tuyên bố Trung Quốc đã phạm “tội ác diệt chủng và phản nhân loại" chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương".
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien có tên trong danh sách 28 người bị Trung Quốc trừng phạt (Ảnh: Reuters)
Các nhà bình luận cho rằng việc chính quyền Donald Trump đưa ra nhận định này vào ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ là "đòn đánh cuối cùng" đối với Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra quyết định trừng phạt đối với nhóm ông Mike Pompeo vào thời khắc bàn giao chính quyền ở Mỹ cũng gây nên sự chú ý của dư luận.
Thời báo Hoàn cầu, tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc ngày 21 tháng 1 đưa tin, các học giả quan hệ quốc tế cho rằng việc Trung Quốc công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức sắp mãn nhiệm của Mỹ vào thời điểm này không chỉ là một biện pháp phản đòn hợp lý chống lại những kẻ phá hoại nghiêm trọng quan hệ Trung-Mỹ của chính phủ khóa trước mà còn "thiết lập giai điệu cơ bản và vạch ra ranh giới cuối rõ ràng" cho quan hệ Trung-Mỹ tương lai.
Thông báo trừng phạt ông Mike Pompeo và 27 người khác được trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng lúc nửa đêm (Ảnh: Guancha).
Ông Lý Hải Đông, Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói: việc lựa chọn nút thời gian này gửi đi một thông điệp rất rõ ràng: một mặt trừng phạt các cựu quan chức chính phủ, để họ nhận ra rằng việc đàn áp, bôi nhọ và hãm hại Trung Quốc nhất định sẽ gánh chịu hậu quả, “gieo gió ắt có ngày gặp bão”. Mặt khác, điều này cũng chủ động tạo ra giai điệu cơ bản cho mối quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai: khi xây dựng và thực hiện các chính sách đối với Trung Quốc, Mỹ phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và tuân thủ “giới hạn cuối của quy tắc”.
Lý Hải Đông phân tích cho rằng điều này sẽ khiến chính phủ Mỹ trong tương lai thận trọng hơn trong việc hoạch định các chính sách đối với Trung Quốc. Bất kỳ ai muốn tạo ra sự khác biệt trong chính trường Mỹ sẽ phải có trách nhiệm hơn trong các vấn đề và hành động liên quan đến Trung Quốc.
Ông Điêu Đại Minh, phó giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng mốc thời gian và đối tượng của đợt trừng phạt này đã một lần nữa thể hiện đầy đủ đặc điểm "chủ động thiết lập chương trình nghị sự" của Trung Quốc trong chính sách đối với Mỹ trong những năm gần đây: không cuốn theo những thay đổi trong chính sách của phía Mỹ và cũng không do một số chính trị gia tùy tiện định ra.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng David R. Stilwell và Đại diện Đài Loan tại Mỹ Tiêu Mỹ Cầm
Điêu Đại Minh cho rằng xét về các biện pháp trừng phạt cụ thể lần này, đây là một biện pháp mang tính có đi có lại đối đẳng. "Các quan chức trong danh sách trừng phạt đã hành động xuất phát từ lợi ích cá nhân của họ trong nhiệm kỳ, làm suy yếu quan hệ Trung-Mỹ, cần phải được đáp trả".
Ông ta nhấn mạnh, quyết không bao giờ cho phép xảy ra tình trạng “chơi con bài Trung Quốc” trên sân khấu nhưng lại tiếp tục “ăn cơm của Trung Quốc” sau khi bước xuống.
Giáo sư Thẩm Dật ở Đại học Phúc Đán cũng có quan điểm tương tự. Ông nói rằng biện pháp trừng phạt lần này khác với trước đây là đã đề cập đến người thân và các công ty và tổ chức liên quan, gửi đi một thông điệp rất rõ ràng: Khi những quan chức này bước vào thế giới kinh doanh thông qua cánh cửa quay vòng, nếu bất kỳ công ty nào thuê những người này, họ sẽ phải đối mặt với việc tổn hại lợi ích tại thị trường Trung Quốc. Ví dụ, nếu một nhà xuất bản nào muốn bán trên thị trường Trung Quốc hồi ký của họ, sẽ không được phép nữa. "Thời điểm thanh toán đã đến, giống như người Trung Quốc nói không phải không báo thù, mà là thời điểm chưa đến. Những chính trị gia và công ty chống Trung Quốc đừng nghĩ đến chuyện nhận được bất kỳ lợi ích nào từ sự phát triển của quan hệ Trung-Mỹ".
Thu Thủy
Nguồn: viettimes.vn