Theo đó, bộ quy tắc này không chỉ áp dụng cho các cuộc gọi bắt nguồn từ chính mạng viễn thông của các công ty viễn thông, mà còn áp dụng cho các cuộc gọi được chuyển tiếp qua mạng viễn thông của họ.
Bộ quy tắc này nêu rõ: “Khi các cuộc gọi lừa đảo được xác nhận, nhà cung cấp dịch vụ phải thực hiện hành động ngay khi có thể để chặn các cuộc gọi lừa đảo được bắt nguồn và/hoặc chuyển qua mạng của họ”.
Theo quy định này, các nhà cung cấp dịch vụ được yêu cầu tìm kiếm đặc điểm của các cuộc gọi lừa đảo, chia sẻ thông tin với các nhà mạng viễn thông và cơ quan quản lý để chặn các số được sử dụng cho việc lừa đảo, bao gồm cả những cuộc gọi từ nước ngoài và thực hiện các biện pháp để chống lại việc giả mạo số điện thoại.
ACMA cho biết, hơn 30 triệu cuộc gọi lừa đảo đã bị chặn trong năm ngoái, khi các công ty viễn thông tiến hành các thử nghiệm để chống lại các vụ lừa đảo quốc tế, các cuộc gọi mạo danh và các cuộc gọi lừa đảo người dùng gọi lại cho các cuộc gọi nhỡ.
Liên quan đến vấn đề này, bà Fiona Cameron, phụ trách lực lượng hành động liên quan đến lừa đảo viễn thông của ACMA cho biết: “Bộ quy tắc này là một đóng góp độc đáo và mang tính đột phá cho các nỗ lực quản lý toàn cầu nhằm ngăn chặn những tác hại do những kẻ lừa đảo gây ra. Đây là một khung pháp lý tổng thể nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo một cách hiệu quả. Không có một giải pháp hoàn hảo nào để giảm lừa đảo, nhưng những quy tắc mới này đặt ra nghĩa vụ rõ ràng đối với ngành công nghiệp viễn thông phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ khách hàng của họ và xây dựng niềm tin rằng việc trả lời các cuộc gọi là an toàn”.
Vào tháng 9 vừa qua, nhà mạng Telstra thông báo, họ đang thử nghiệm một chương trình chặn các tin nhắn giả mạo tự nhận là từ myGov, hoặc Centrelink và dự kiến sẽ được triển khai đầy đủ trên mạng của mình vào cuối năm nay.
Nếu chương trình thử nghiệm chặn tin nhắn rác của Telstra thành công, nó sẽ được triển khai cho các hãng viễn thông khác của Úc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc – bà Linda Reynolds cho biết.
Nguồn: vietnamnet