Theo giới phân tích, trong những ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ có nhiều việc để làm. Trong đó, việc gia hạn START-3 sẽ là ưu tiên của chính quyền Joe Biden trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, nhưng việc quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở là điều ít có khả năng xảy ra.
Theo nhận định của ông Richard Weitz, giám đốc Trung tâm phân tích chính trị-quân sự thuộc Viện Hudson (Hoa Kỳ), một chuyên gia tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, những ưu tiên hàng đầu của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống là khôi phục lại sự tham gia của Mỹ vào các hiệp ước, thỏa thuận mà người tiền nhiệm Donald Trump đã rời bỏ.
Ưu tiên số 1 là gia hạn START-3
"Ông Biden sẽ đưa việc gia hạn START-3 trở thành ưu tiên số một trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Ông ấy có quyền gia hạn hiệp ước thêm đến 5 năm theo sắc lệnh tổng thống mà không cần phải được quốc hội phê chuẩn" - ông Weitz nói với hãng tin Nga Sputnik.
Theo chuyên gia, ông Biden đang nghiêng về việc gia hạn hiệp ước thêm vài năm, để các nhà đàm phán có thời gian thảo luận về cách thức mở rộng "khuôn khổ song phương hẹp" hiện tại của hiệp ước này, nhằm mục đích đưa thêm các hệ thống vũ khí mới và các quốc gia khác tham gia hiệp ước hoặc thỏa thuận mới trong tương lai.
Hiệp ước Bầu trời mở
Theo chuyên gia Richard Weitz, việc quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở sẽ khó khăn hơn. Thượng viện Mỹ sẽ phải phê chuẩn hiệp ước với đa số phiếu 2/3, mà điều này thì khó xảy ra, hoặc tất cả các nước khác sẽ phải đồng ý rằng Mỹ có thể quay trở lại mà không cần phê chuẩn. Nga có thể đưa ra những yêu cầu nhượng bộ để đổi lấy việc này.
Nước Mỹ đang đứng trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng
Ông Weitz nhắc lại rằng chính quyền hiện tại đã ra lệnh xử lý các máy bay được sử dụng để bay trên lãnh thổ Nga theo hiệp ước. Như vậy, nếu quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở, quốc hội sẽ phải chuẩn y mua máy bay mới, việc này sẽ không phải là vấn đề ưu tiên.
Thỏa thuận JCPOA
Chính quyền mới hoàn toàn có thể quay trở lại một cơ chế quan trọng khác, đó là Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 (IND) hay còn gọi là “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran.
“Thỏa thuận JCPOA không phải là một hiệp ước, vì vậy ông Biden cũng có thể khôi phục lại việc tham gia thỏa thuận bằng một sắc lệnh của tổng thống, nhưng hiện nay một số điều kiện ban đầu hoặc liên quan đã không còn hiệu lực, chẳng hạn như lệnh cấm nhập khẩu và bán vũ khí cho Iran của Liên hợp quốc. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu như có một thỏa thuận sửa đổi” - ông Weitz nhận định.
Theo quan điểm của ông, trong mọi trường hợp, cuộc thảo luận vẫn sẽ tập trung vào việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran để đổi lấy việc đưa nước này trở lại khuôn khổ theo quy định của JCPOA.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Chuyên gia Richard Weiz chắc chắn rằng, một trong những bước đi đầu tiên của chính quyền mới nhằm khôi phục sự tham gia của Mỹ vào các thỏa thuận quốc tế mà họ đã rút khỏi dưới thời Donald Trump, sẽ là quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo ý kiến của ông, điều này được khẳng định qua việc cựu Ngoại trưởng John Kerry, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và là người đã từng tham gia tích cực vào việc xây dựng Hiệp định Paris, được lựa chọn làm đặc phái viên về vấn đề khí hậu trong tương lai.
Toàn Thắng