Căn bệnh khiến huyền thoại bóng đá Maradona qua đời nguy hiểm ra sao?
Cơn đột quỵ diễn ra hai tuần sau khi ông phải thực hiện ca mổ não nhằm loại bỏ những cục máu đông. Ngày 11/11 Maradona xuất viện nhưng vẫn được chăm sóc và theo dõi hàng ngày.
Tuy nhiên, ông đột nhiên đau nặng tối 25/11. Truyền thông cho biết, đã có tới 4 xe cứu thương tập trung quanh ngôi nhà nơi Maradona sinh sống nhưng mọi nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ đã trở nên vô vọng.
Trước đó nhiều năm, sức khoẻ của Maradona đã bất ổn. Ông cùng lúc mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về tim mạch và gan - hệ quả của những năm tháng triền miên sử dụng ma tuý và rượu.
Vì sao, căn bệnh đột quỵ lại nguy hiểm đến như vậy?
Từng trao đổi với phóng viên về chứng bệnh này, GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, nguyên nhân gây ra đột quỵ chủ yếu là do hậu quả của tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch.
Người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những người dưới 35 tuổi bị đột quỵ. Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ não (tai biến mạch máu não). Trong đó, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu, chỉ sau ung thư và tim mạch. Người bệnh cũng có thể gặp phải các di chứng sau đột quỵ nặng nề như tàn tật suốt đời.
Các chuyên gia cảnh báo, đột quỵ được ví như một “cơn đau não”. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lúc nào khi lưu lượng máu đến một vùng não bị gián đoạn. Lúc này, các tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết đi. Khi các tế bào não bị chết do cơn đột quỵ, khả năng kiểm soát bởi vùng não bị tổn thương khiến bộ nhớ và khả năng vận động giảm sút.
Bệnh đột quỵ não nặng hay nhẹ phụ thuộc vào kích thước vùng não bị tổn thương. Ví dụ, một người bị cơn đột quỵ ngắn có thể chỉ gặp những vấn đề nhỏ như yếu tạm thời các vùng cánh tay hoặc một bên chân. Những người bị đột quỵ nghiêm trọng có thể bị tê liệt vĩnh viễn ở một bên cơ thể hoặc mất khả năng nói. Một số người hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ, nhưng hơn 2/3 số người sống sót sau cơn đột quỵ sẽ phải chấp nhận một vài di chứng.
Đột quỵ có hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ nhồi máu não là tình trạng tắc mạch máu lên não, do mạch máu bị chặn bởi các cục máu đông (thiếu máu cục bộ). Đột quỵ xuất huyết não là do mạch máu não bị vỡ. Mặc dù ít phổ biến hơn trong hai loại đột quỵ, nhưng đột quỵ xuất huyết não thường dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu người bị đột quỵ gồm: Người bệnh bất ngờ bị méo mặt lệch về một bên, kèm theo méo miệng; Người bệnh cũng có thể bị tê liệt một cánh tay, một bên chân hoặc nửa người; người bệnh bất ngờ mất khả năng nói, không gọi được người xung quanh mà chỉ phát ra tiếng ú ớ hoặc nói ngọng.
Ngoài ra, một số người bệnh đột quỵ còn có các dấu hiệu khác như đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, mất thăng bằng, không thể đi bộ. Khi quan sát thấy các dấu hiệu này, chúng ta cần nhanh chóng gọi cấp cứu. Đừng chờ đợi để xem các triệu chứng có dừng lại hay không. Cơn đột quỵ càng lâu càng khó điều trị, khả năng tổn thương não và khuyết tật càng lớn.
“Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian. Chính vì vậy, phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời; tận dụng "thời gian vàng" của não, tránh để đột quỵ não gây di chứng nặng nề”, GS. Thông đặc biệt nhấn mạnh.
Trong lúc này, theo GS Thông người thân của bệnh nhân tuyệt đối không tự ý cho người bệnh uống An cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ.
Ông cho biết, trong quá trình điều trị từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn.
Ngoài ra, người thân không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị mà khẩn trương đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Để phòng bệnh, GS Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá; kiểm soát bệnh tăng huyết áp và điều trị đái tháo đường.
N. Huyền
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn