Chiếc máy bay Boeing 777 của Singapore Airlines đậu tại sân bay Bangkok, Thái Lan, ngày 22-5 sau sự cố hôm 21-5 - Ảnh: AFP
Trong nhiều năm, Singapore Airlines liên tục được xếp vào nhóm đầu những hãng hàng không an toàn nhất thế giới.
Tuy nhiên, chiều 21-5, chiếc Boeing 777-300ER của hãng này phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok (Thái Lan) vì gặp nhiễu động (nhiễu loạn không khí). Vụ việc khiết hàng chục người bị thương và ít nhất 1 người chết.
Máy bay Singapore Airlines gặp phải loại nhiễu động nguy hiểm nhất
Theo Hãng tin Reuters, ngay khi gặp nhiễu động, phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu SQ321 đã lập tức yêu cầu hành khách thắt dây an toàn.
Dữ liệu từ Flightradar24 cho thấy chuyến bay trên đường từ London, Anh, đến Singapore đã gặp nhiễu động cực mạnh trong hơn 1 phút khi bay ngang qua Myanmar ở độ cao 11.300 m, khiến máy bay lao lên và xuống nhiều lần.
"Chiếc máy bay hụp xuống trong vài giây, có tiếng la hét khủng khiếp và tiếng bịch", hành khách tên Andrew Davies kể lại khoảnh khắc nhiều người bị hất văng ra khỏi ghế máy bay.
Dịch vụ dự báo thời tiết AccuWeather cho biết dữ liệu vệ tinh và sét cho thấy "những cơn giông bùng nổ" đang hình thành gần đường bay, có thể khiến phi công có ít thời gian để phản ứng.
Giám đốc điều hành Singapore Airlines Goh Choon Phong thông báo máy bay đã gặp phải tình trạng nhiễu động cực độ và bất ngờ.
Các báo cáo ban đầu cho thấy đây dường như là tình trạng "nhiễu động trời trong", được coi là loại nhiễu động nguy hiểm nhất, gây ra bởi sự dịch chuyển các khối không khí.
"Không thể nhìn thấy nhiễu động trời trong và hầu như không thể phát hiện được bằng công nghệ hiện tại. Vì vậy việc hành khách phải thắt dây an toàn mỗi khi ngồi càng trở nên quan trọng hơn. Đó là vấn đề sống chết" - bà Sara Nelson, chủ tịch quốc tế của Hiệp hội tiếp viên hàng không-CWA, nhận định.
Bên trong chiếc máy bay gặp nhiễu động cực mạnh ngày 21-5 buộc phải hạ cánh khẩn cấp - Ảnh: REUTERS
Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA), đại diện cho hơn 77.000 phi công tại 41 hãng hàng không Mỹ và Canada, cũng cho rằng cách an toàn nhất để hành khách tự bảo vệ mình là đảm bảo dây an toàn của họ luôn được thắt chặt.
Một nghiên cứu năm 2021 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết, tai nạn hàng không liên quan đến nhiễu động là loại tai nạn phổ biến nhất. Gần đây nhất, vào tháng 3-2024, một chiếc máy bay Boeing BA.N 787 do hãng LATAM Airlines khai thác đã bất ngờ gặp sự cố giữa chuyến bay khiến hơn 50 người bị thương.
Boeing có liên quan?
Singapore Airlines được đánh giá là hãng hàng không cực kỳ an toàn nhờ thành thích không gặp tai nạn lớn nào trong những năm gầy đây.
Theo Mạng lưới An toàn hàng không, Singapore Airlines chỉ có 7 vụ tai nạn. Vụ tai nạn gần đây nhất gây thương vong là chuyến bay từ Singapore đến Los Angeles, Mỹ. Khi quá cảnh ở Đài Loan ngày 31-10-2000, máy bay này rơi trong quá trình cất cánh và sau đó đâm vào thiết bị xây dựng tại Sân bay Quốc tế Đào Viên. Vụ tai nạn đã làm chết 83 trong số 179 người trên máy bay.
Các hành khách còn lại không bị thương trở về Singapore ngày 22-5 - Ảnh: AFP
Quay trở lại sự cố của Singapore Airlines ngày 21-5, Boeing (hãng sản xuất dòng máy báy bay 777-300ER) và Cơ quan An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã gửi đại diện và 4 cố vấn kỹ thuật hỗ trợ cuộc điều tra vụ tai nạn.
Dù chưa có bằng chứng về sự liên quan của Boeing đến vụ tai nạn của Singapore Airlines, nhưng vụ việc cũng làm gia tăng nghi ngại về "hồ sơ an toàn" của Boeing.
Những vấn đề về an toàn của Boeing nổi lên vào tháng 1-2024 khi một cánh cửa của chiếc 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines bị bung ra trong lúc bay. Điều này khiến Cục Hàng không liên bang (FAA) Mỹ cấm Boeing tăng sản lượng máy bay 737 MAX - loại máy bay thân hẹp bán chạy nhất của hãng này.
Từ đầu năm đến nay, các máy bay Boeing liên tục gặp vấn đề về an toàn, bao gồm một chiếc Boeing 777 bị rơi bánh khi cất cánh từ San Francisco, trong khi một chiếc Boeing 737 MAX hoạt động ở Mỹ bị hỏng bánh sau khi hạ cánh. Sự cố kịch tính nhất là vụ máy bay Boeing 787 lao xuống trong chuyến bay từ Úc tới New Zealand, khiến 50 hành khách bị thương.
Các chuyên gia cho rằng việc chú trọng nhiều hơn đến việc kiếm lợi nhuận trong những năm gần đây đã dẫn đến lo ngại rằng Boeing có thể đã hạ thấp tiêu chuẩn về an toàn.
Những trở ngại về chuỗi cung ứng từ đại dịch COVID-19 cũng có thể đã ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn bảo trì, có thể gián tiếp dẫn đến sai sót khiến nút cửa khẩn cấp của Alaska Airlines bị bung.
Trong khi đó, các công ty hàng không vẫn sẽ cần phải phụ thuộc vào máy bay Boeing để hoạt động vì khó có thể chuyển hướng tìm máy bay thay thế.
"Chúng tôi tuân thủ tất cả các quy trình quản lý và bảo trì cần thiết khi vận hành máy bay của mình", người phát ngôn Singapore Airlines mới đây trả lời vấn đề an toàn liên quan đến cuộc khủng hoảng của Boeing.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online