Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày 23-3 - Ảnh: REUTERS
Tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản ngày 4-4 chỉ ra một điểm thú vị trong các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc: các cuộc tiếp xúc ngoại giao đều diễn ra ở đâu đó bên ngoài thủ đô Bắc Kinh.
Chẳng hạn, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi thăm Trung Quốc vào cuối tháng 3 đã được người đồng cấp Vương Nghị tiếp đón tại Quế Lâm thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tuần trước, ông Vương Nghị tiếp 4 ngoại trưởng Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines tại tỉnh Phúc Kiến.
Ngoại trưởng Trung Quốc kế đó gặp 2 người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hạ Môn cũng thuộc Phúc Kiến. Tất cả các cuộc gặp này đều có ý nghĩa quan trọng và ở cấp cao, nhưng vì sao lại không diễn ra ở Bắc Kinh?
Nguồn tin của Nikkei Asia tại một tờ báo nhà nước Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh đang cố tình tránh tổ chức tại thủ đô để bảo đảm dịch COVID-19 không tái bùng phát.
"Sẽ có sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 7 tới. Bởi vì điều đó, họ sẽ tránh để dịch bùng phát ở thủ đô bằng mọi giá", nguồn tin của Nikkei Asia giải thích.
Trên thực tế, đại dịch đã ngăn cản các đại sứ mới làm thủ tục trình quốc thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ tháng 11-2020. Tân đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, ông Hideo Tarumi, vì không được gặp ông Tập Cận Bình, đã chuyển bản sao quốc thư cho một quan chức ngoại giao Trung Quốc để chính thức bắt đầu nhiệm kỳ.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh phải tiếp đón quan chức nước ngoài ở nơi khác là do quy định cách ly phòng dịch. Thủ đô của Trung Quốc yêu cầu cách ly người đến từ nơi khác trong vòng 21 ngày, lâu hơn đáng kể so với các địa phương khác ở nước này.
Tuy nhiên, việc yêu cầu các quan chức nước ngoài cách ly trong thời gian đó cho một cuộc gặp chỉ 2-3 ngày là điều bất khả thi. Chưa kể việc các quan chức này thường được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao nên không thể áp dụng quy định cách ly với họ, theo Nikkei Asia.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra hai "mục tiêu trăm năm" đánh dấu hai cột mốc kỷ niệm quan trọng.
Mục tiêu đầu tiên là đến năm 2021, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập vào ngày 23-7-1921, nên đang tiến gần tới mục tiêu đầu tiên vào ngày 23-7 tới.
Mục tiêu thứ hai là đến năm 2049, xây dựng thành công nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa. Mục tiêu này được đưa ra đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949-2049).
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online