Đầu đại dịch COVID-19, Bồ Đào Nha được khen ngợi là quốc gia quản lý dịch rất tốt dù dân số già, số giường cấp cứu ít và ở cạnh Tây Ban Nha, nước bị dịch gây hại nặng nề.
Song những tuần gần đây, dịch lại bùng phát nghiêm trọng ở Bồ Đào Nha. Với 10,3 triệu dân, tính đến sáng 8-2, số ca tử vong ở Bồ Đào Nha đã trên 14.100 người. Bồ Đào Nha đã trở thành quốc gia có tỉ lệ tử vong/dân số cao nhất thế giới.
Kênh truyền hình Pháp France Info ghi nhận có 4 lý do giải thích vì sao dịch bùng phát mạnh ở Bồ Đào Nha và đây là bài học kinh nghiệm để các nước khác tham khảo.
1. Ăn chơi dịp lễ lạt cuối năm
Từ tháng 11-2020, Bồ Đào Nha đã áp dụng biện pháp phong tỏa một phần và giới nghiêm tại các vùng bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất.
Các cửa hàng, nhà hàng, quán bar, không gian văn hóa hoặc tôn giáo hạn chế hoạt động nhưng không đóng cửa.
Đến gần lễ Giáng sinh, Bồ Đào Nha quyết định nới lỏng giãn cách. Thủ tướng Antonio Costa tuy có kêu gọi người dân cảnh giác và tôn trọng giãn cách nhưng lại không quy định cụ thể số lượng người tiếp xúc tối đa trong một bàn hay trong một nhà.
Ngay những ngày đầu năm 2021, dịch bùng phát với tốc độ lây nhiễm kỷ lục. Ngày 7-1, Thủ tướng Antonio Costa tuyên bố mở rộng và kéo dài các biện pháp hạn chế giao thông và lệnh giới nghiêm.
Một tuần sau, ông tuyên bố biện pháp phong tỏa mới nghiêm ngặt hơn. Dự kiến các biện pháp mới có thể kéo dài tới tháng 3-2021.
Xe cấp cứu dồn dập đưa người mắc COVID-19 đến bệnh viện ở Lisbon ngày 29-1 - Ảnh: REUTERS
2. Không kiểm soát được biến thể mới ở Anh
Cuối tháng 1-2021, Thủ tướng Antonio Costa đánh giá Bồ Đào Nha đã bị "ngợp" với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh.
Ông thừa nhận: "Nếu biết trước sự hiện diện của biến thể mới ở Anh, các biện pháp áp dụng trong dịp lễ Giáng sinh đã khác".
Đến nay biến thể mới ở Anh đã chiếm gần 50% số ca nhiễm mới ở các vùng Lisbon và thung lũng Tagus.
170.000 người Bồ Đào Nha đang sống ở Anh và 35.000 người Anh sống ở Bồ Đào Nha. Do đó, lễ lạt cuối năm là dịp họ qua lại thăm viếng nhau.
Đến khi Bồ Đào Nha quyết định các chuyến bay từ Anh chỉ dành cho công dân Bồ Đào Nha có kết quả xét nghiệm âm tính vào tháng 12-2020, biến thể mới ở Anh đã xâm nhập vào đất nước này.
3. Mạng lưới y tế sụp đổ
Để giảm áp lực cho các bệnh viện đã quá tải, Chính phủ Bồ Đào Nha đã dự kiến đưa bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt sang Áo điều trị.
Hôm 3-2, Đức đã điều động một đội y tế 26 người bao gồm 8 bác sĩ, 50 máy thở, 150 máy truyền dịch và 150 giường y tế sang Lisbon.
Bồ Đào Nha thiếu nhân viên y tế đến mức chính phủ đã cho phép tuyển dụng những người tốt nghiệp ở nước ngoài làm việc theo chế độ đặc biệt trong vòng một năm, đồng thời kêu gọi các bác sĩ về hưu và các y bác sĩ không đúng chuyên môn đăng ký.
Ước tính có 11.000 nhân viên y tế (đa số là y tá) không thể làm việc do đã nhiễm COVID-19.
Thủ tướng Antonio Costa (giữa) thăm bệnh viện nơi tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở Lisbon ngày 3-2 - Ảnh: AP
4. Kế hoạch tiêm chủng vắc xin bị chỉ trích
Kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 từ đầu tháng 1-2021 đã bị chỉ trích nặng nề. Người dân tức giận vì kế hoạch tiêm chủng chậm trễ và không công bằng.
Nhiều thị trưởng, chồng của một nữ bác sĩ hoặc mẹ của một linh mục không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng vẫn được tiêm vắc xin.
Bộ Y tế phải trấn an người dân bằng cách cam kết mọi người đều được tiêm vắc xin.
Ngày 3-2, ông Francisco Ramos - giám đốc đơn vị tiêm chủng của Bộ Y tế - đã phải từ chức sau khi thừa nhận có "nhiều" bất thường trong quá trình chọn người tiêm chủng tại Bệnh viện Chữ thập đỏ do ông phụ trách.
Tính đến cuối tuần trước, chỉ có 350.000 người tại Bồ Đào Nha được tiêm liều vắc xin đầu tiên và 75.000 người được tiêm liều thứ hai.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online