Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người gốc Á tại Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Mới đây nhất hôm 29/3, một phụ nữ Mỹ gốc Philippines, 65 tuổi đã bị một đối tượng vô cớ đạp ngã ngay trên đường phố đông người tại Manhattan, New York. Vụ việc diễn ra chỉ một tháng sau vụ xả súng tại 3 tiệm spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng.
Một người biểu tình mặc áo và giơ biểu ngữ có dòng chữ "ngừng thù ghét người gốc Á" tại Texas ngày 21/3. Ảnh: AFP.
Những cuộc tấn công như vậy xảy ra trong bối cảnh số vụ tội phạm thù hận đối với người gốc Á tại Mỹ ngày càng gia tăng. Các dữ liệu mới công bố của tổ chức Stop AAPI Hate cho thấy, các hành vi thù ghét đối với người gốc Á, bằng cả lời nói lẫn hành động, đã tăng cao hơn nhiều so với trước kia. Theo thống kê, có gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người gốc Á trong năm 2020, cao hơn khoảng 1.200 vụ so với năm 2019, trong đó có 68% vụ xảy ra với nữ giới.
Người gốc Á ngày càng dễ trở thành mục tiêu tấn công?
Ông Russell Jeung, người sáng lập tổ chức Stop AAPI Hate,chuyên gia nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học Bang San Francisco nói với NBC rằng: “Dù tình trạng bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến và tình trạng phân biệt chủng tộc là hai xu hướng riêng biệt, nhưng chúng lại liên quan đến nhau”.
“Đáng chú ý, số các vụ bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á tại những khu dân cư có tỷ lệ tội phạm cao thuờng rất cao. Sự kết hợp của nạn phân biệt chủng tộc với tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự chú ý trên toàn nước Mỹ”, chuyên gia Russell Jeung nói.
Người gốc Á dù chỉ chiếm 5% dân số Mỹ nhưng thường được coi là một “thiểu số kiểu mẫu” - khuôn mẫu mô tả những người thông minh, chăm chỉ và khá giả - khác với người Mỹ gốc Phi thường là đối tượng phản đối bất công phân biệt chủng tộc. Nhưng cũng chính vì vậy, họ bị lãng quên trong các cuộc thảo luận về phân biệt chủng tộc, dễ bị các cộng đồng da màu khác ghét bỏ và xa lánh.
Trớ trêu thay, điều này không phản ánh một cách công bằng những thành công của họ trong việc hội nhập vào nước Mỹ. Người châu Á chiếm một tỷ lệ khá cao trong các trường học uy tín của Mỹ, khoảng 5% số học sinh trong các trường trung học công lập và khoảng 25% số học sinh tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts.
Bất chấp thành công nói trên, người gốc Á vẫn có thể bị coi là “người nước ngoài vĩnh viễn”, đối mặt với định kiến đánh cắp công ăn việc làm của các cộng đồng khác và luôn phải chịu thiệt thòi. Chẳng hạn, nhiều người gốc Á làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Thung lũng Silicon thường được trả mức lương không tương xứng.
Từ lâu nay, nhiều người Mỹ bản địa thường cho rằng, người gốc Á luôn có những hành động đáng ngờ và luôn trung thành với quốc gia nguồn cội của họ thay vì với Mỹ. Một nghiên của Đại học bang Washington cho biết, người Mỹ gốc Á thường bị coi là đối tượng thấp kém hơn so với các cộng đồng khác tại Mỹ.
Tâm lý kỳ thị và phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á thường được thể hiện một cách công khai. Họ thường nhận được những lời chào hỏi đầy khiếm nhã như: “Konnichiwa” (có nghĩa “xin chào” trong tiếng Nhật) hay “Bạn đến từ đâu” bất kể họ có phải là công dân Mỹ hay không.
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, cứ 10 người Mỹ gốc Á thì có 3 người bị nói xấu hoặc bị đùa cợt liên quan đến vấn đề chủng tộc kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, trong khi chỉ có 2 trên 10 người gốc Tây Ban Nha và gốc Phi chịu tình trạng như vậy.
Các quy định pháp lý và chính trị xuyên suốt lịch sử nước Mỹ đã góp phần hình thành tâm lý kỳ thị và phân biệt đối với người Mỹ gốc Á, trong đó phải kể đến Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc 1882 hay phán quyết “People v. Hall” - quy định người gốc Á không được làm chứng chống lại người da trắng trước tòa nhằm đảm bảo rằng người da trắng có thể thoát tội liên quan tới bạo lực chống lại người gốc Á.
Nước Mỹ không còn là “miền đất hứa”
Tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử gia tăng đã khiến nhiều người châu Á thay đổi quan niệm về nước Mỹ.
Khi Jang Ho-kyeong, một thanh niên Hàn Quốc 26 tuổi, đọc tin tức về các vụ xả súng ở Atlanta, anh cảm thấy buồn và tức giận nhưng không tỏ ra ngạc nhiên. Là người từng du học tại Mỹ, anh cảm nhận được bầu không khí căng thẳng gia tăng kể từ năm 2020 khi cựu Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch bệnh Covid-19.
“Tôi nghĩ bạn sẽ rất dễ gặp những người cho rằng, Mỹ không phải là một quốc gia tiên tiến mà chúng ta luôn ngưỡng mộ”, Jang Ho-kyeong nói.
“Tôi phải đối mặt với tình trạng phân biệt ở khắp mọi nơi, thậm chí bị hỏi rằng: Này, anh có thể dạy tôi một số phép tính không?”.
Jang Ho-kyeong chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi sự bạo lực, có lẽ vì tôi là thanh niên. Nhưng các bạn nữ của tôi thì vừa cảm nhận được sự phân biệt đối xử lại vừa lo sợ hành vi bạo lực hoặc quấy rối tình dục”.
Sau khi xảy ra các vụ tấn công tại Atlanta, tờ Maeil Business của Hàn Quốc đăng tải một bài xã luận, trong đó thể hiện sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Bài báo có đoạn viết: “Trước khi chúng ta công nhận chính sách đối ngoại của Mỹ là chân thành và đáng tin cậy, Mỹ cần phải nỗ lực hơn nhiều nữa để ngăn chặn tội phạm thù hận ngay trong lòng quốc gia này”.
Cây bút William Cooper của CNA cho rằng, hành vi phân biệt chủng tộc dù là dưới bất cứ hình thức nào đi chăng nữa đều bị coi là một “tội ác” và thực trạng của người gốc Á tại Mỹ đã bị phớt lờ quá lâu. Ông nhấn mạnh, những vụ bạo lực xảy ra trong thời gian gần đây chính là hồi chuông báo động Mỹ cần phải chấm dứt tâm lý kỳ thị và tội ác thù hận nhằm vào người gốc Á, vốn đang len lỏi trong mọi ngóc ngách của xã hội./.
Nguồn: VOV.VN