Dân Vũ Hán đổ đến các siêu thị và cửa hàng để tích trữ hàng hóa giữa bối cảnh giá cả tăng vọt vì thành phố bị phong tỏa. Thành phố lớn của tỉnh Hồ Bắc bị "ngắt kết nối" với các thành phố khác nhằm ngăn dịch bệnh liên quan đến virus corona, bùng phát từ tháng 12/2019, tiếp tục lan rộng.
Các tuyến giao thông đi qua thành phố ngừng hạt động. Nguồn hàng hóa khan hiếm dẫn đến tình trạng quá tải tại các siêu thị. Giá cả trên trời nhưng người dẫn vẫn vét sạch gần như mọi kệ hàng để dự trữ đồ dùng cho gia đình.
"Mọi người đang điên cuồng mua sắm tích trữ", một người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho biết.
Người dân tại Vũ Hán xếp hàng mua đồ dự trữ để hạn chế ra khỏi nhà cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Getty.
Những hàng dài xuất hiện tại các quầy tính tiền khu trung tâm mua sắm và siêu thị. Nhu yếu phẩm và lương thực - thực phẩm như thịt, rau và mì gói được mua sạch, theo Reuters. Người dân thành phố không dám ra đường để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhiều trạm xăng cũng quá tải sau khi xuất hiện tin đồn dự trữ nhiên liệu thành phố đang cạn dần. Trả lời Guardian, một nhân chứng cho biết ông phải xếp hàng gần 1 giờ để đổ xăng cho xe ôtô. Khẩu trang cháy hàng tại các hiệu thuốc. Nhiều tòa nhà gấp rút cho phun thuốc sát trùng.
Các hộ gia đình hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Một giáo viên nói mình đã không rời khỏi nhà từ ngày 19/1. Cô cho rằng đã quá muộn để kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp hiện nay của chính quyền là chưa đủ hiệu quả.
"Người nhiễm virus có thể đứng ngay cạnh bên mà chúng ta không hay biết. Điều đó mới thật sự đáng sợ", cô chia sẻ.
Một người đeo khẩu trang mua rau ở thành phố Vũ Hán hôm 23/1. Ảnh: Getty.
Guaden Galea, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, mô tả cuộc phong tỏa thành phố Vũ Hán là bước đi chưa từng có tiền lệ trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
"Việc cách ly gần 11 triệu người chưa được khoa học ghi nhận. Chúng ta chưa từng thử nghiệm biện pháp này trong các chiến lược y tế cộng đồng. Hiện nay khó để nói trước biện pháp này có thành công hay không. Tuy nhiên, các hiệu ứng xã hội đang rất đáng lưu ý", ông nhận định.
Một số người bắt đầu lo ngại tình trạng người dân đầu cơ, đổ xô tích trữ hàng hóa có thể dẫn dẫn đến bất ổn xã hội.
"Chính quyền cần giải quyết vấn đề này. Nếu mọi thứ trở nên quá đắt đỏ, mọi người sẽ hoảng loạn và cảm thấy không an toàn. Nhiều việc tồi tệ có thể xảy ra", một người dân tại Vũ Hán chia sẻ trên Weibo.
Cơ quan phòng chống dịch bệnh thành phố ngày 23/1 kêu gọi người dân không đầu cơ tích trữ hàng hóa. Thông báo nhấn mạnh nguồn lương thực, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu dự trữ của thành phố vẫn còn đủ để đáp ứng nhu cầu người dân.
Theo: ZING.VN