Một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm đang tiến hành xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: SPUTNIK
Theo hãng tin Reuters, bà Mariangela Simao, trợ lý tổng giám đốc WHO, ngày 27-11 cho biết WHO cần được tiếp cận những dữ liệu và thông tin như vậy để có thể độc lập đánh giá hiệu quả cũng như mức độ an toàn của vắc xin COVID-19 do Nga sản xuất.
Trước đó, trong tháng này, một đại diện của Bộ Y tế Nga công bố vắc xin Sputnik V của Nga đạt hiệu quả phòng ngừa COVID-19 tới hơn 90%. Tuy nhiên người này trích dẫn dữ liệu đối chiếu từ hoạt động tiêm chủng trong cộng đồng thay vì từ một thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra.
Theo hãng tin ANI và Sputnik, bà Mariangela Simao cho rằng việc trao đổi các dữ liệu lâm sàng và các tiêu chuẩn thực hành sản xuất vắc xin COVID-19 là rất quan trọng, đặc biệt với các ứng cử viên vắc xin đang trong giai đoạn được cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp.
Bà Mariangela Simao cho biết đã có nhiều ứng cử viên vắc xin tiến bộ và các nhà phát triển chúng cũng đã liên hệ, trao đổi thông tin với WHO.
Hiện có 48 ứng cử viên vắc xin COVID-19 trong danh sách của WHO. Một vài nhà sản xuất đã bắt đầu công bố các kết quả sơ bộ trong những thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Vắc xin Sputnik V của Nga cũng như vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna đều công bố đạt hiệu quả phòng bệnh hơn 90%. Trong khi đó hiệu quả trung bình của vắc xin do hãng AstraZeneca và ĐH Oxford phối hợp phát triển là 70%.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online