Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bị tội phạm có tổ chức lợi dụng để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á.
Việc Mỹ cấm vận ông Doãn Quốc Câu, trùm xã hội đen khét tiếng Trung Quốc, phản ánh tình trạng các băng nhóm tội phạm có tổ chức lợi dụng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc để mở rộng mạng lưới hoạt động tại nhiều nước.
Ngày 10.12, Bộ Tài chính Mỹ vừa cấm vận ông Doãn (65 tuổi) với cáo buộc mở rộng hoạt động tội phạm tại Đông Nam Á nhờ BRI. Với biệt danh “Răng Gãy”, trùm xã hội đen này là thủ lĩnh băng nhóm 14K (Hồng Kông) thuộc hội Tam Hoàng, bị Mỹ cáo buộc mở rộng hoạt động ở Campuchia, Myanmar và Palau kể từ khi ra tù vào năm 2012.
Hội Hồng Môn
Bên cạnh cá nhân ông Doãn, Mỹ còn cấm vận 3 tổ chức do ông trùm này kiểm soát, trong đó đáng chú ý là Hội Lịch sử và Văn hóa thế giới Hồng Môn - tổ chức văn hóa gốc Hoa của ông Doãn thành lập năm 2018 tại Campuchia, một trong những quốc gia Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư BRI.
Trùm xã hội đen Tam Hoàng Trung Quốc vào danh sách đen tham nhũng của Mỹ
Hội này vươn vòi khắp Đông Nam Á, thành lập mạng lưới liên quan đến các hoạt động tội phạm, phát hành tiền ảo, giao dịch địa ốc và sòng bạc. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng hội Hồng Môn kết nạp nhiều nhân vật cấp cao của Malaysia, Campuchia và trùm xã hội đen này còn bị cáo buộc thành lập một công ty an ninh tập trung vào các dự án đầu tư BRI tại Campuchia.
Trùm xã hội đen Doãn Quốc Câu tại sự kiện ra mắt hội Hồng Môn năm 2018. ẢNH: VOD
Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cho rằng ông Doãn còn phối hợp với tội phạm địa phương để đẩy mạnh hoạt động cá cược trái phép qua mạng tại Sihanoukville, dẫn đến tội phạm, bạo lực tràn lan, bên cạnh hàng tỉ USD lừa đảo và tham nhũng. Sau khi Campuchia cấm cờ bạc qua mạng vào tháng 8 năm ngoái, trùm xã hội đen này tìm đến những nơi khác như Myanmar.
Tại Myanmar, Tập đoàn Đông Mai của ông Doãn hiện đang xây một trung tâm sòng bạc ở Saixigang. Còn tại đảo quốc Palau, trùm xã hội đen này đang kiểm soát Hiệp hội Văn hóa Hồng Môn Trung Quốc Palau.
Nguy cơ tội phạm lợi dụng
Trùm xã hội đen Doãn Quốc Câu tại một sự kiện về tiền ảo vào năm 2018. Ảnh: SCMP
Theo CNN, thủ đoạn của trùm khủng bố Doãn Quốc Câu cũng tương tự như của ông Triệu Vĩ, nhân vật bị Mỹ cho là một trong những trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới và có mối liên hệ mật thiết với một dự án phát triển sòng bạc ở Lào.
Ông Triệu sở hữu Công ty Kings Romans (trụ sở tại Hồng Kông) hiện quản lý Khu Kinh tế đặc biệt Tam Giác Vàng ở tây bắc Lào. Ông Triệu là chủ tịch khu kinh tế này, được đặt tên theo khu vực biên giới giữa Lào, Myanmar và Thái Lan, khét tiếng là nguồn cung cấp heroin lớn nhất thế giới và cung cấp ma túy tổng hợp trị giá hàng chục tỉ USD hằng năm. Ông Triệu và Kings Romans bị Mỹ cấm vận vào năm 2018 với cáo buộc liên quan đến buôn lậu ma túy và các tội ác khác. Chính quyền Mỹ cáo buộc ông trùm này cầm đầu tổ chức tội phạm đa quốc gia liên quan đến mại dâm trẻ em, buôn lậu động vật hoang dã và ma túy tại Lào, dù ông này luôn bác bỏ và khẳng định mình là một nhà đầu tư hợp pháp.
Theo chuyên san The Diplomat, phần lớn tranh cãi quanh BRI đều tập trung vào động cơ và liệu sáng kiến có thành công về thương mại hoặc chính trị hay không. Tuy nhiên, vấn đề ít được nhắc đến là làm thế nào giảm thiểu, ngăn ngừa nguy cơ bị tội phạm lợi dụng. Bài báo cho rằng nhiều dự án hạ tầng của BRI giúp nâng cấp và mở rộng các tuyến buôn lậu hiện có.
“Ví dụ, dù Tam Giác Vàng đã nằm sẵn một phần tại Myanmar, việc cải tạo các tuyến đường cũ giúp buôn lậu ma túy thuận lợi hơn, trong khi việc xây dựng các tuyến đường mới sẽ kết nối những khu vực từng bị cô lập với hoạt động phi pháp này. Nói cách khác, hạ tầng BRI ở nông thôn Myanmar sẽ giúp tội phạm tiếp cận với khách hàng và nguồn lực trước đó chúng không với tới”, bài viết nêu lo ngại.
Khánh An
Nguồn: thanhnien.vn