Đội người nhái của Hải quân Indonesia làm nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ tại địa điểm máy bay rơi - Ảnh: REUTERS
Chiều 10-1, tờ Jakarta Post của Indonesia dẫn lời giới chức nước này cho biết hộp đen nằm ở độ sâu 23m so với mặt nước. "Hi vọng chúng tôi sẽ trục vớt thành công càng sớm càng tốt", ông Soerjanto Tjahjono, giám đốc Ủy ban An toàn giao thông Indonesia, chia sẻ.
Theo Jakarta Post, Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ (BPPT) Indonesia sẽ triển khai tàu nghiên cứu Baruna Jaya IV để xác định vị trí hộp đen máy bay gặp nạn. Baruna Jaya IV là một loại tàu đặc chủng, thường được sử dụng cho mục đích khảo sát nhưng cũng có thể phát hiện các tín hiệu đặc biệt như tín hiệu hộp đen máy bay.
Con tàu này từng tham gia việc tìm kiếm máy bay Boeing-737 MAX mang số hiệu JT610 của Hãng Lion Air của Indonesia hồi năm 2018 và nhiều vụ tai nạn máy bay khác.
Theo Hãng tin Reuters, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một số thi thể và mảnh vỡ kim loại được cho là những gì còn sót lại của máy bay Boeing 737-500 của Sriwijaya Air. Nhà chức trách đã đề nghị người thân của 62 nạn nhân cung cấp thông tin nhận dạng và các mẫu phẩm hỗ trợ việc xác định bằng ADN.
Chiếc máy bay Boeing 737-500 của Hãng hàng không Sriwijaya Air cất cánh từ Jakarta ngày 9-1 và mất liên lạc chỉ 4 phút sau đó. Thời điểm gặp nạn, máy bay được đưa vào khai thác gần 27 năm, theo Reuters.
Vụ tai nạn ngày 9-1 tiếp tục làm dấy lên câu hỏi mức độ an toàn của các hãng hàng không Indonesia, theo Reuters. Ông Chappy Hakim, một chuyên gia hàng không, nhận định đại dịch COVID-19 có thể góp phần vào việc dẫn tới thảm kịch lần này.
Theo ông Hakim, cũng giống như nhiều hãng hàng không khác trong đại dịch, Sriwijaya Air cũng gặp khó khăn tài chính và buộc phải thu hẹp đội ngũ kỹ thuật viên và phi công, việc trả lương cũng chậm trễ, các máy bay phải nằm đất trong thời gian dài.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online