Ảnh: AFP
Có thể thấy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có một tuần làm việc thật tồi tệ. Không chỉ có việc phải chứng kiến đội tuyển bóng đá quốc gia Đức ra về sau thất bại thảm hại tại World Cup 2018, bà còn đối mặt với một tuần lễ được xem là "thực hiện hoặc phá vỡ" sự nghiệp chính trị của mình.
Trước thời điểm 1-7 tới, "bà đầm thép" cần phải có một giải pháp về vấn đề di cư cho Liên minh Châu Âu (EU) và gỡ cái bẫy về cuộc khủng hoảng chính trị đang đe dọa chính phủ liên minh của bà ở trong nước.
Bài toán người di cư...
Dù trong năm nay số lượng người di cư đến Châu Âu giảm đáng kể so với thời kỳ khủng hoảng bùng nổ năm 2015, EU vẫn chia rẽ và bất hòa gay gắt trong vấn đề tiếp nhận người di cư. Thậm chí, hai thành viên đầu tàu EU là Pháp và Italia đã chỉ trích lẫn nhau về việc cứu hay không cứu người di cư bất hợp pháp liên quan tàu cứu hộ Aquarius với hơn 600 người tị nạn hơn 2 tuần trước.
Tranh cãi nằm ở chỗ - phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư bắt buộc trong các quốc gia thành viên, để cùng san sẻ gánh nặng với các quốc gia tuyến đầu như Italia, Hy Lạp. Nhưng trong khi các nước Bắc Âu như Đức, Thụy Điển, Pháp sẵn lòng tiếp nhận người di cư, các quốc gia Trung và Đông Âu lại phản đối vì cho rằng, người di cư sẽ đè nặng vấn đề an ninh và kinh tế của họ.
Bài toán này đang được kỳ vọng có thể giải quyết trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6. Nhưng hy vọng không nhiều khi hội nghị thượng đỉnh hẹp của 16 nước EU diễn ra hồi tuần trước, với mục đích tìm kiếm một cách tiếp cận chung của Châu Âu trong vấn đề này đã thất bại. Trách nhiệm nặng nề đang đặt lên vai Thủ tướng Merkel của Đức - quốc gia đầu tàu của EU.
Thủ tướng Merkel khẳng định, giải quyết những tranh chấp leo thang về vấn đề di cư được xem là phép thử mang tính quyết định đối với tương lai và sự gắn kết của EU.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 28-6, chỉ ít giờ trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh, bà Merkel cảnh báo, thách thức trong vấn đề người di cư có thể quyết định số phận của EU.
...quá nặng nề
Bà Merkel gặp phải 2 vấn đề, đều liên quan đến việc sửa chữa chính sách đối với những người xin tị nạn vốn đang làm rối loạn Châu Âu.
Đầu tiên, nhà lãnh đạo Đức cần phải dập tắt những tư tưởng bảo thủ ngay trong nội bộ đảng. Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, lãnh đạo CSU, đã công bố "kế hoạch di trú" sẽ giảm số người được chấp nhận tị nạn, tăng số lượng trục xuất, và cho phép cảnh sát ngay lập tức trục xuất bất kỳ người xin tị nạn nào đã đăng ký ở một quốc gia EU khác.
Tất cả dẫn đến vấn đề thứ hai của bà Merkel: bà cần một chính sách di cư hoàn hảo cho EU để ve vuốt những người chống đối ở trong nước. Bà cũng cần tăng tốc chính sách hồi hương và trục xuất những người xin tị nạn nhưng cũng cần đảm bảo phân bổ và tái định cư những người tị nạn được chấp nhận trên toàn EU.
Liệu bà có thể làm được không?
Thủ tướng Merkel có thể là nhà lãnh đạo Châu Âu duy nhất đưa ra một giải pháp cho tình trạng di cư khó xử của EU.
Hội nghị Thượng đỉnh lần này là cơ hội lớn cho bà Merkel. Bà đang có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên cạnh. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng không chắc có thể bảo đảm một thỏa thuận toàn diện với tất cả các quốc gia EU, nhất là trong bối cảnh bà đang chịu áp lực phải chịu trách nhiệm cho tình hình khủng hoảng người di cư hiện nay của Châu Âu sau quyết định "mở cửa" cho người tị nạn vào năm 2015.
Nguồn: KHẢ ANH/ cadn.com.vn