Nguyên nhân vụ việc một nam thanh niên Đức 17 tuổi cầm súng tàn sát 15 người ngay tại trường học cũ đến nay vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo tiếp theo về an ninh, kiểm soát vũ khí, các vấn đề liên quan đến bạo lực trong trường học sau hàng loạt các vụ thảm sát tương tự.
Sát thủ tuổi mới lớn
Sau 1 năm tốt nghiệp, ngày 11-3-2009, Tim Kretschmer, 17 tuổi, ở Winnenden, phía nam nước Đức đã quay lại trường học cũ và xả súng làm chết 15 người rồi đấu súng chống đối cảnh sát trước khi tự gí súng vào đầu mình tự sát. Theo điều tra từ phía cảnh sát, hầu hết nạn nhân đều là nữ giới, gồm cả học sinh và giáo viên. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức cho biết đây có thể là một kế hoạch tàn sát đã được sắp đặt trước và các nạn nhân đều bị bắn vào đầu.
9h30 ngày định mệnh đó, Tim đi bộ vào trường Trung học Albertville Realschule, ở thị trấn Winnenden, ấn chuông báo động hỏa hoạn ở 2 lớp học rồi giết chết 10 học sinh, tất cả đều ở độ tuổi 14-15, 3 giáo viên và nhiều người khác bị thương sau đó bỏ chạy. Trên đường trốn thoát, “sát thủ” này đã bắn chết một số người khác, trong số đó có cả cảnh sát và cướp một xe ô tô bắt lái xe đưa đến thị trấn Wendlingen, cách đó khoảng 40km. 700 cảnh sát cùng 4 chiếc máy bay trực thăng đã được huy động để truy bắt tội phạm.
Chiếc xe ô tô luồn lách vào con đường nhỏ tránh cảnh sát và đỗ lại một khu công nghiệp của thị trấn Wendlingen, cách Winnenden khoảng 24 dặm. Sau đó Tim xông vào một đại lý xe hơi và giết chết một nhân viên bán hàng tại đây rồi chạy ra ngoài chĩa súng bắn vào lực lượng cảnh sát vừa ập đến, nạp đạn rồi tự đưa súng lên đầu tự sát. Cho đến nay, động cơ của vụ thảm sát này vẫn là một câu hỏi.
Đội trưởng Đội Cảnh sát khu vực Erwin Hetger, Baden-Württemberg cho biết: “Cậu ta đi nhẹ nhàng qua các hành lang trong trường, vào lớp học và bắn liên tiếp. Thực sự nhiều năm làm ngiệm vụ, tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh đẫm máu như thế này”. Sau cuộc thảm sát đẫm máu là cảnh gia đình có thân nhân tử nạn kêu gào thảm thiết, cùng với đó là hàng triệu người trên khắp đất nước Đức cùng đến thắp nến cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân.
Hồi chuông cảnh báo
Giới truyền thông cho biết, cha của thiếu niên này là thành viên trong một câu lạc bộ súng và ông có 18 vũ khí được cấp phép sử dụng. Ông ta cất kỹ tất cả các khẩu súng khác, chỉ để 1 khẩu súng hiệu Beretta ở phòng ngủ của mình và hung thủ đã dùng nó. Cảnh sát cũng tìm thấy bức thư viết tay của thiếu niên này gửi cho bố mẹ mình có nội dung về việc cậu ta đau khổ và tuyệt vọng.
Vụ thảm sát tương tự vào năm 2002, Robert Steinhaeuser, 19 tuổi, đã giết chết 12 giáo viên, 1 thư ký, 2 học sinh và 1 cảnh sát trước khi gí súng tự sát tại trường Trung học Gutenberg ở Erfurt, phía đông nước Đức. Cậu thanh niên này là thanh viên trong câu lạc bộ súng và có giấy phép sử dụng vũ khí riêng. Vụ thảm sát này đã dẫn đến việc nước Đức thay đổi Luật Sử dụng vũ khí, nâng tuổi được phép sử dụng vũ khí từ 18 lên 21 tuổi.
Sự việc kinh hoàng tuy đã kết thúc một thời gian dài nhưng vẫn dấy lên nhiều cuộc tranh luận của nhà chức trách về nguyên nhân cũng như các biện pháp tăng cường an ninh và bạo lực học đường tại Đức. Nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng tránh đã được đưa ra, tuy nhiên đây vẫn là một câu hỏi lớn. Vấn đề chủ yếu các nhà chức trách đặt ra đó là sự hiệu quả trong giáo dục giới trẻ, sự phối hợp giữa nhà trường, xã hội và phụ huynh học sinh.
Trong một cuộc họp của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp, ngày 14-7-2009, các thành viên đã làm lễ tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ thảm sát ở Đức nói trên. Chủ tịch Hội đồng EU, ông Hans-Gert Pottering phát biểu: “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi, cũng như một trọng trách chính trị ở Liên minh châu Âu và các nước thành viên phải làm hết sức để có thể ngăn chặn những thảm kịch này”.
Chu Hương
Theo ANTĐ, Spiegel