Theo bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố, độ tự do về kinh tế của Việt Nam được đánh giá ở mức 61,8 điểm, đứng ở vị trí thứ 72. Kết quả này tốt hơn 1,2 điểm so với chỉ số đánh giá của năm ngoái.
Tuy nhiên, theo tác giả Dr. Rainer Zitelmann, thứ hạng mà Việt Nam đạt được này không quan trọng bằng sự thay đổi của nền kinh tế đất nước. Nếu xét một quốc gia có quy mô tương đương thì không có nước nào trên toàn thế giới có được độ tự do về kinh tế tốt như Việt Nam kể từ năm 1995.
Vào năm 1995 - năm đầu tiên lập Chỉ số tự do kinh tế, con số này của Việt Nam mới chỉ đạt 41,7% và như vậy đến nay, quốc gia này đã tăng 20 điểm.
Quỹ Di sản đánh giá, nền kinh tế Việt Nam ngày càng định hướng thị trường mạnh hơn khi dần hội nhập vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Các cải cách bao gồm tư nhân hóa một phần doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa thương mại và ngày càng công nhận quyền sở hữu tư nhân.
Việt Nam được xếp hạng tốt trong lĩnh vực "Sức khỏe tài khoá" (Fiscal Health) và "Chi tiêu Chính phủ" (Government Spending); trong khi xếp hạng trung bình trong lĩnh vực "Tự do kinh doanh và Tự do tiền tệ" (Business Freedom und Monetary Freedom).
Tác giả bài báo nhận định, nếu Việt Nam tiếp tục con đường được khởi xướng từ năm 1986 với tên gọi "Đổi Mới", Việt Nam có cơ hội tốt để trở thành một trong những quốc gia mạnh về kinh tế trên thế giới.
Tác giả Dr. Rainer Zitelmann nhấn mạnh: "Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, với nền kinh tế sôi động mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời cho những người làm việc chăm chỉ và các doanh nhân.
Từ một quốc gia không thể sản xuất đủ gạo cung cấp cho người dân trước khi bắt đầu cải cách thị trường, Việt Nam nay đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu hàng điện tử quan trọng".
(theo wallstreet-online.de)